Áp lực hàng ngoại
Rau diếp cá được trồng khá nhiều tại Việt Nam. Nhưng thay vì sử dụng rau diếp cá trực tiếp hay các sản phẩm của Việt Nam có chiết xuất loại rau này, người tiêu dùng lại đang ưa chuộng trà rau diếp cá của Nhật Bản với mức giá khoảng 200.000 đồng gói/60 túi lọc do tin tưởng chất lượng và công nghệ của Nhật Bản.
Đây là thí dụ thực tế cho thấy hàng ngoại đang dần chiếm ưu thế trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Điều này cũng được minh chứng qua kết quả khảo sát của Hội HVN CLC cách đây ít lâu. Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập trong 3 năm gần đây luôn tăng lên. Với xu thế này, trong tương lai gần tỷ lệ này sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
CPTPP có hiệu lực, sân chơi mới mở ra nhưng cũng đồng thời khép lại những cơ hội nếu DN Việt chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, chính những áp lực này sẽ khiến nhiều DN phải sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, tập trung hơn vào ngành chuyên sâu. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội HVN CLC |
Cũng trong khảo sát trên, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua lần lượt 89% và 93%. Song yếu tố tiên quyết để người tiêu dùng chọn mua là chất lượng. Còn giá cả, khuyến mại chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng. Dù vẫn được người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của mình, nhưng các DN cũng thừa nhận sức ép cạnh tranh từ hàng ngoại nhập đang quá lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và sắp được ký kết.
Không chỉ chịu áp lực từ hàng nhập khẩu, DN Việt còn đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi DN nước ngoài thông qua M&A. Thực tế đã có nhiều thương hiệu của Việt Nam như Nhựa Bình Minh, Kinh Đô, Sabeco, Cầu Tre… những năm gần đây đang dần về tay các nhà đầu tư nước ngoài. Và khi không còn của ông chủ Việt, những thương hiệu này cũng dần vắng bóng trong các hội chợ HVN CLC. Trong khi đó, việc tìm kiếm những DN kế thừa cho các thương hiệu có tuổi đời vài chục năm như vậy không phải chuyện dễ dàng.
Gốm sứ Minh Long I đưa máy móc công nghệ nhằm tự động hóa sản xuất giúp nâng cao chất lượng.
Đưa công nghệ nâng tiêu chuẩn
Để nâng tiêu chuẩn hàng hóa DN không thể thiếu bệ đỡ công nghệ. Nhiều nước trong khu vực cũng đang rất chú trọng vào công nghệ và số hóa. Hiện hầu hết các nước ASEAN đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho DNNVV, DN địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh. Malaysia có chương trình đào tạo từ 3 năm trước.
Singapore có chương trình Go digital và nay là Start digital, với chính sách đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ. Philippines, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa. Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các DNNVV tại địa phương...
Với DN Việt tuy chưa có những chương trình hỗ trợ sát sườn của Nhà nước nhưng không ít DN đã chủ động để đưa công nghệ vào sản xuất để nâng tầm tiêu chuẩn sản phẩm của mình. Như gốm sứ Minh Long I không chỉ dừng lại ở việc đưa máy móc công nghệ nhằm tự động hóa sản xuất giúp nâng cao chất lượng, sản lượng, công ty còn hướng tới việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích thói quen mua sắm cũng như sự hài lòng của khách hàng với sản phẩm của Minh Long.
Hay vua bánh Kao Siêu Lực, ngoài việc dựa vào kinh nghiệm và sự khéo léo của người thợ, cũng ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Vì thế, công ty đã phát triển được hàng loạt cửa hàng trong nước cũng như đưa thương hiệu ABC ra nước ngoài, trở thành nhà cung cấp cho nhiều thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế. “Công nghệ chính là xương máu của ABC Bakery, chúng tôi nghiên cứu lại và áp dụng SOP (những quy trình thao tác chuẩn) để sản xuất. Từ 5 năm nay, việc sản xuất của ABC Bakery luôn ổn định” - ông Kao Siêu Lực chia sẻ.
Việc đưa công nghệ, nâng tiêu chuẩn không chỉ giúp DN giữ được sân nhà, còn nâng cao cơ hội tiếp cận được những ông lớn trong mảng thương mại điện tử thế giới. Từ đây hàng Việt sẽ đến với hàng triệu người tiêu dùng thích mua sắm online.
Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng đã có 1/2 dân số thế giới tham gia kết nối và trở thành người tiêu dùng online. Khi bị ngắt kết nối, 53% người tiêu dùng online trong số đó cảm thấy lạc lõng, 31% chỉ muốn liên lạc online, nên DN không còn cách nào khác phải số hóa và ứng dụng công nghệ.