Hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số tài chính

(ĐTTCO) - Mấy năm qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty công nghệ tài chính (fintech) liên tục đổi mới, tung ra các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.
Thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biển. Ảnh: LG
Thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biển. Ảnh: LG

Các mô hình tài chính thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.

Thị trường vận động không ngừng

Theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt giữa các công ty fintech nội địa với những startup giàu tiềm lực. Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 của Nextrans (Hàn Quốc), cho biết startup fintech Việt Nam có tổng đầu tư đạt 137,9 triệu USD trong năm ngoái.

Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cũng đánh giá, Việt Nam có ngành công nghiệp fintech non trẻ nhưng đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện Việt Nam có hơn 130 công ty startup fintech hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), huy động vốn từ cộng đồng, thanh toán kỹ thuật số, tiền điện tử và insurtech… Quy mô thị trường fintech về giá trị giao dịch dự kiến tăng từ 34,5 tỷ USD năm 2023 lên 63,87 tỷ USD vào năm 2028.

Trong làn sóng fintech phát triển mạnh mẽ, cùng sự gia tăng trong việc sử dụng ứng dụng dành cho thiết bị di động, đã thúc đẩy các NHTM tăng gấp đôi nỗ lực chuyển đổi số, thực hiện chiến lược ưu tiên các dịch vụ di động, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của người dùng.

Báo cáo của Mordor Intelligence cho biết, kể từ năm 2017, các NH Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ mới để áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình thông qua fintech, như thanh toán bằng điện thoại di động và mã QR, ví điện tử, token hóa, thanh toán qua thẻ chip cho thẻ nội địa... Hầu như các NH ở Việt Nam đang đầu tư vào số hóa, thúc đẩy thích ứng với fintech và khoảng một nửa NH coi kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu.

Các mô hình tài chính vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số phát triển với tốc độ vũ bão nhưng đầy rủi ro, chỉ vì hành lang pháp lý cho hoạt động này vẫn chưa có.

Các số liệu được công bố gần đây cho thấy, thời gian qua có khoảng 15.000 tỷ đồng được các NH đầu tư để chuyển đổi số cạnh tranh với fintech. Hầu hết NH đều đã cho ra mắt ứng dụng NH số và nỗ lực tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm này và nhận được sự đón nhận lớn của thị trường.

Báo cáo nghiên cứu của Data.ai công bố gần đây cho thấy cứ mỗi phút có hơn 6.000 ứng dụng được tải xuống. Trong đó, các ứng dụng tài chính như Mobile Banking, ví điện tử và thanh toán, cho vay cá nhân chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng tải xuống.

Quy định quản lý vẫn ở bước “khởi động”

Sự vận động của các NHTM và fintech trong thời gian qua đã mang đến nhiều quả ngọt cho kinh tế Việt Nam, nhất là trong mảng thanh toán không dùng tiền mặt. Số liệu từ Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng so với cùng kỳ 2022.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, chia sẻ trước năm 2016, số lượng 500 đến 1 triệu giao dịch mỗi ngày là con số mơ ước của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nay lượng giao dịch bình quân mỗi ngày lên tới 8 triệu, với giá trị khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).

Trong khi các NHTM và fintech vận động đổi mới không ngừng, nhiều loại dịch vụ mới nở rộ, hành lang pháp lý cho hoạt động này vẫn chưa có. Trong hội thảo gần đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán NHNN, nhận định hiện hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại, nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.

Trong tình trạng thiếu hành lang pháp lý, các NH chỉ có thể số hóa từng phần thay vì toàn diện các hoạt động thanh toán, cho vay, bảo lãnh, lưu trữ hồ sơ, quản trị… Còn các công ty fintech hoạt động trong môi trường có nhiều thách thức về pháp lý, quản lý rủi ro và bảo mật thông tin khách hàng.

Cụ thể, các NH phải chờ Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này đã trình Chính phủ hơn 4 năm. Còn với fintech, Singapore hay Indonesia đã có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), trong khi tại Việt Nam nghị định quy định về cơ chế sandbox cho hoạt động fintech trong lĩnh vực NH cũng đã trình Chính phủ 2 năm nay vẫn chưa được thông qua.

Gần đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định 101 và nghị định về sandbox để trình Chính phủ trong tháng 8. Và thị trường vẫn tiếp tục chờ.

TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), cho rằng một trong những xu thế phát triển của các TCTD, là bên cạnh chuyển đổi số đã xuất hiện các NH số (còn được gọi là NH internet), hoạt động hoàn toàn trong môi trường số, không có các chi nhánh vật lý.

Luật Giao dịch điện tử mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho NH số. Tuy nhiên, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) chỉ đề cập đến hoạt động NH điện tử (số hóa NH truyền thống), chưa đề cập đến hoạt động của NH số, do đó cũng chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình NH số.

“Ban đầu, trong đề cương xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) có đề cập đến NH số (Điều 97). Tuy nhiên, tại các bản dự thảo luật sau này, không biết vì lý do gì nội dung này bị gỡ bỏ. Đây là thiếu sót, cần phải bổ sung quy định về NH số vào dự thảo luật. Vì dự thảo luật là lăng kính để các TCTD, cộng đồng doanh nghiệp fintech, tài chính… nhìn vào đó để thấy xu thế phát triển, đường đi, nước bước tiếp theo của mình” - TS. Trần Văn chia sẻ.

Chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực tài chính được nhận định là cơ hội lớn, khi Việt Nam đang nỗ lực tìm tòi những động lực phát triển mới. Thế nhưng thị trường vận động không ngừng, còn luật lệ vẫn chần chừ, nhiều lĩnh vực không kiểm soát nhưng cũng không cấm.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị đã được cấp phép phải loay hoay, cố gắng làm sao làm được tốt. Nhiều đơn vị không được cấp phép, chấp nhận hoạt động đầy rủi ro. Thị trường đang rất kỳ vọng trong quý III-2023, 2 nghị định quan trọng nói trên được Chính phủ ký ban hành.

Các tin khác