A Pa Chải không đơn giản là nơi có cột mốc ngã ba biên giới, cũng không đơn giản là điểm mốc cực Tây thân yêu của Tổ quốc, mà đây là nơi mà bất cứ ai muốn đứng bên cạnh nó sẽ phải vượt qua chính bản thân mình.
1.
Cách Hà Nội gần 800km, nhưng đường đến với cột mốc số 0 ở A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thực sự là một hành trình nhiều cảm xúc. Nghe kể đã nhiều nhưng phải thực sự xách ba lô và lên đường khi ấy bạn mới thực sự cảm nhận được điều gì đang chờ đợi. Khác với trước, đến với Điện Biên giờ đây có rất nhiều lựa chọn. Sang chảnh nhất là máy bay, nhưng những hôm thời tiết xấu như mưa to, gió lớn hoặc sương mù, điều thường hay xảy ra nhất ở vùng núi Tây Bắc, có thể sau nhiều giờ bay bạn lại phải quay ngược về nơi xuất phát Nội Bài. Vì thế phương tiện được lựa chọn nhiều nhất vẫn là xe khách. Nếu muốn ngắm trọn vẹn cung đường đặc trưng với những khúc cua tay áo men theo những thung lũng xanh ngút ngàn của Tây Bắc, thì nên chọn một chuyến xe chạy ngày.
Cột mốc số 0, mốc đánh dấu chủ quyền 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Tuy nhiên, với điểm đến A Pa Chải lời khuyên dành cho du khách là nên chọn một chuyến xe giường nằm ban đêm, bởi lẽ sau khi đến thành phố Điện Biên vào khoảng 6 giờ sáng, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm Tây Bắc trọn vẹn 1 ngày. Khoảng cách từ thành phố Điện Biên đến A Pa Chải chỉ hơn 200km, nhưng đây mới là quãng thời gian để lại nhiều ấn tượng. Cung đường bắt đầu từ Mường Chà, Mường Nhé rồi Chung Chải… sẽ khiến ngay cả những người say xe nhất cũng khó có thể chợp mắt dù chỉ một phút bởi cảnh sắc hùng vĩ, những thác nước bất ngờ xuất hiện giữa thung lũng cao tung bọt trắng xóa, bởi những con đường lắt léo vắt ngang triền núi như một sợi chỉ mong manh… Và sau hết là bởi những khúc sạt lở có thể xuất hiện tại những điểm bất ngờ nhất.
Duy, phụ xe trẻ trên cung đường “thần thánh” này tếu táo, mùa khô hẳn là vui rồi, đường trải nhựa thẳng thớm kéo vào đến tận bản. Nhưng chỉ cần trời đổ một trận mưa, những khúc cắt cua đang thi công dang dở ngay lập tức trở thành cạm bẫy, đường sình lầy kéo dài hàng trăm mét sẵn sàng níu chân bất cứ một tay lái nào, đấy là chưa kể những điểm sạt lở bất thường. Vì thế, lái xe trên tuyến này không chỉ quen với từng khúc cua, mà còn phải thân quen với đội làm đường, dân bản xứ để có thể huy động giúp đỡ lúc gặp tình huống bất ngờ.
2.
Gần 8 tiếng dằn mình với đường núi, xe đến Sín Thầu là lúc chiều muộn. Cả bản chìm trong lớp sương muối dày đặc, ánh sáng le lói hắt ra từ que củi đang cháy dở của cô bán tạp hóa đang chuẩn bị bữa cơm chiều khiến không gian nơi này bình yên đến lạ.
Ở Sín Thầu không có nhà nghỉ, cũng không có quán ăn, vì thế nếu không có người quen giới thiệu để ngủ nhờ trong thôn, địa điểm duy nhất dành cho khách xa sẽ là đồn biên phòng 317 A Pa Chải. Mấy năm gần đây, dân phượt lên A Pa Chải để chinh phục cột mốc số 0, nơi tiếp giáp biên giới 3 nước Việt - Lào - Trung Quốc ngày một nhiều, vì thế để tiện cho công tác quản lý và thuận lợi cho bà con, đồn biên phòng đã mở thêm khu vực nhà sàn làm chỗ đón người nơi xa đến với vùng biên hải.
Ông Pờ Hùng Sinh, bản Tả Kho Khừ, Sín Thầu kể: “Mấy năm trước, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi Sín Thầu rồi lên cửa khẩu A Pa Chải, phải vượt qua muôn vàn khó khăn, mất cả ngày đường vượt rừng, lội dăm con suối sâu, vào mùa mưa có nhiều đoạn nước chảy xiết cao đến ngực, chỉ có thể qua bằng những chiếc bè tre, nứa hoặc thân cây chuối. Nay đường bê tông đổ phẳng lỳ, đi vào đến tận bản Tá Miếu, bản Hà Nhì tận cùng của xã, gần với mốc số 0 nhất. Vì thế đoạn đường đến với cột mốc số 0 cũng không còn truân chuyên như trước”.
Theo đường chim bay từ đồn 317 đến cột mốc số 0 cao 1.864m, chỉ khoảng 5km, nhưng bạn phải đi bộ cả chục cây số với 4 tiếng băng rừng vượt núi để đến nơi. Đây không chỉ là hành trình thử thách sức khỏe mà cả ý chí của người chinh phục. Năm nay thời tiết cũng lạ, thường ở vùng này từ tháng 12 cho đến tháng 4 hàng năm được coi là mùa khô, hiếm hoi lắm mới có một cơn mưa. Nhưng nay dù đã bước qua tháng 1 mà A Pa Chải vẫn đón nhiều cơn mưa lớn.
“Ôi trời… đường dẫn lên mốc số 0 trơn trượt khó đi lắm đó”- ông Pờ Hùng Sinh nhắn. Song mặc cho những lời cảnh báo về độ khó của đường rừng ngày mưa, mặc cho những đám mây vần vũ đe dọa có thể đổ ập nước xuống bất cứ lúc nào, sáng hôm sau đoàn chúng tôi quyết tâm chinh phục đỉnh núi Khoang La San hùng vĩ, để được chạm tới cây cột mốc 3 mặt trứ danh. Cột mốc duy nhất không đánh số.
3.
Dẫn đường là cậu lính biên phòng người bản địa. Nhanh nhẹn, vui vẻ, như những "hướng dẫn viên du lịch" thực thụ. Sau 3km đường đất thịt với các ổ trâu, ổ bò ngập đầy nước, con dốc dựng đứng như vách núi ẩn hiện đầy thách thức. Lúc này trời đã gần trưa, song lớp sương mù nơi đây vẫn đặc quánh khiến cho rừng già lại càng thêm u tịch.
Binh nhì Khân - bạn đồng hành của chúng tôi chia sẻ, trước kia muốn lên tới cột mốc phải xuyên rừng, với cỏ tranh lút đầu, đá tai mèo sắc nhọn, nay đường này đang được cải tạo, xẻ núi, hạ dốc… “Và chỉ ít thời gian nữa có khi xe động cơ hai thì có thể lên tới gần chân cột mốc ấy” - Khân hồ hởi hy vọng.
Suốt 3 tiếng đoàn người đánh vật với những con dốc thẳng đứng, trơn trượt, oằn mình lê lên những khúc quanh trơn trượt không có đường lùi khiến người đi luôn phải đấu tranh để khỏi ngã lòng… cột mốc đã hiện ra sừng sững giữa mây trắng bạt ngàn. Niềm vui vỡ òa và mọi mệt mỏi tan biến khi đối diện là cột mốc số 0 huyền thoại trên đỉnh Khoang La San hùng vĩ.
Cột mốc chan hòa nắng, quốc huy Việt Nam nổi bật giữa nền trời xanh ngắt, như một dấu son khuất trong sâu thẳm trái tim của mỗi người con đất Việt. Cột mốc chủ quyền quốc gia là đây. Nơi bắt đầu của hệ thống mốc biên giới quốc gia thiêng liêng của Tổ quốc là đây, mốc 3 cạnh đánh dấu chủ quyền 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Đứng ở nơi này, thả tầm mắt nhìn về thung lũng rộng lớn phía trước với những mái nhà lô nhô bình yên của bản Tà Xùa, A Pa Chải, Tả Kho Khu… cái mệt tưởng như đứt thở, mềm người dưới dốc núi, vết khứa sắc lẹm của đá tai mèo, của sợi gai rừng bỗng chốc tan biến. Ở nơi đây, chính thời khắc ấy, mỗi người dường như thấm thía hơn hai từ Tổ quốc.