Hậu Covid-19: Cuộc đào thải của các nhà băng

(ĐTTCO)-9 tháng năm 2020, đã có 10 NH tiến hành cắt giảm 9.000 nhân viên, 28 NH công bố báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy sự phân hóa rõ nét của tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận. Thời điểm này cũng là lúc các NH đang chuẩn bị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng mạnh hơn trước xu hướng nợ xấu gia tăng. Và tác động này có thể sẽ tạo ra sự phân hóa lớn trong những năm tới.
Thời đại công nghệ số buộc các NH phải cắt giảm nhân sự. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thời đại công nghệ số buộc các NH phải cắt giảm nhân sự. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nhân sự
Theo số liệu thống kê, năm 2017 ngành NH tuyển thêm 20.000 nhân sự. Năm 2018, quy mô nhân sự các nhà băng tăng thêm gần 17.000 người, trong đó VPBank là NH giữ vị trí đứng đầu về số lượng nhân sự và OCB có tốc độ tăng nhân viên nhanh nhất hệ thống.
Trước xu hướng đó, nhu cầu nhân sự của ngành NH được dự báo tiếp tục gia tăng trong năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2019 khi các NH liên tục cắt giảm nhân sự và động thái cắt giảm càng mạnh mẽ hơn trong năm 2020.
Cụ thể, ghi nhận trong năm 2019 đã có 6 NH tiến hành cắt giảm hơn 4.100 nhân viên. Đến cuối tháng 6-2020, ghi nhận 8 NHTM có sự sụt giảm với gần 7.000 nhân viên.
Làn sóng này vẫn tiếp tục khi mới đây BizLIVE công bố thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2020 của 21 NH, đã 10 NH cắt giảm nhân sự với gần 9.000 người.
Trong đó, VPBank giảm mạnh lượng nhân sự nhất trong nhóm khảo sát với gần 4.800 người, tương đương 17,7% tổng nhân sự; MBBank giảm 1.071 người, tương đương 6,8% so với đầu năm; OCB cũng giảm 1.278 người, tương đương 22,6% so với đầu năm.
Sự biến động nhân sự trong năm 2019 xuất phát từ việc các NH có sự bứt phá nhanh trong việc phát triển công nghệ số, buộc phải tinh gọn bộ máy khi ở một số vị trí, công nghệ đã làm tốt hơn con người.
Sự thanh lọc đã diễn ra trong bối cảnh nguồn nhân lực của NH có kỹ năng về chuyên môn nhưng một bộ phận không có kỹ năng về công nghệ thông tin và thiếu ngoại ngữ. Điều này nằm trong chiến lược tái cơ cấu lại các mảng kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển trong từng giai đoạn. 
Vấn đề cắt giảm nhân sự có vẻ nặng nề hơn bởi có thêm tác động của dịch bệnh Covid-19. Từ những tháng đầu năm, NHNN đã yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, những lĩnh vực cần nhiều nhân sự như cho vay tiêu dùng cũng bị hạn chế, do thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, các nhà băng hoạt động mạnh trong lĩnh vực này phải cắt giảm nhiều nhân sự để giảm chi phí. Có thể xem đây là cuộc đào thải nhân sự hậu Covid-19.

Tín dụng
Một sự phân hóa lớn hơn cần nhắc đến là việc đang diễn ra trên mảng hoạt động kinh doanh, và có thể trong tương lai cũng sẽ có sự đào thải xét ở góc độ niềm tin khách hàng. Đơn cử nhóm NHTMCP tư nhân. Xét trên báo cáo 9 tháng, có thể thấy đã có sự phân hóa tín dụng rất lớn trong thời gian qua.
Theo đó, 14 NHTMCP có mức tăng tín dụng trên 10%. Dư nợ cho vay tăng mạnh nhất tại NamABank, đến 27,3% so với đầu năm. Đứng thứ hai là VPBank với tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5% (riêng NH mẹ tăng 19,34%). Tiếp theo MSB tăng gần 15,5%, TPBank 15%, VIB 14,2%, HDBank 14,1%, ABBank và LienVietPostBank cùng 13%, VietABank 12,2%, Viet Capital Bank 12%, MB 11,8%, ACB và OCB cùng 11%, SHB 10,2%. 
Ở nhóm còn lại, ngoài Techcombank tăng 8,3%, các NH khác có mức tăng tín dụng thấp: NCB 5,7%, SCB 5,4%, PGBank 5%, BacABank 3,85%, Kienlongbank 1%. Đáng chú ý có 3 NH tăng trưởng tín dụng âm: SeABank giảm 0,6%, Saigonbank giảm hơn 3% và Eximbank giảm đến 11%.
Tín dụng của cả hệ thống tăng thấp nhưng lại có sự phân hóa tín dụng ở các NH, bởi có sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh. Những NH có tăng trưởng tín dụng cao có những hướng đi khác trong thời kỳ dịch bệnh. Trong số đó, có nhiều NH đã chuyển sang kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, kênh đầu tư có lãi suất tốt nhất so với mặt bằng chung hiện nay, và phần này được tính vào tăng trưởng tín dụng.
Khi mua trái phiếu, ngoài việc để hưởng lãi suất cao, một số nhà băng còn có chính sách phân phối lại cho khách hàng và hưởng phí. Đương nhiên đó là cách làm không được cổ súy, nhưng trong lúc khó khăn cho vay một số NH chọn cách này để duy trì kết quả kinh doanh tốt, ứng phó với dịch bệnh. 
Song đó chỉ là hoạt động để cải thiện doanh thu, phần lớn các NH tăng tín dụng cao nhờ việc bơm mạnh chính sách hỗ trợ khách hàng, như giảm lãi vay, tung ra các gói vay ưu đãi cho một số ngành nghề cụ thể.
Nhưng việc triển khai chính sách này tập trung vào các NHTMCP có sức khỏe tài chính tốt. Còn các NH có tiềm lực hạn chế không thể đẩy mạnh các chính sách này. Vì vậy, lượng khách hàng tìm đến những NH này thấp hơn, tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sút.

Nợ xấu
Sự bứt phá nhanh trong phát triển công nghệ số, cộng với tác động của Covid-19, đã buộc các NH phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Có thể xem đây là cuộc đào thải nhân sự hậu Covid-19.
Tăng trưởng tín dụng cao hay thấp luôn tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Trên thực tế, lợi nhuận 9 tháng của đa số nhà băng cho vay mạnh đều sắp cán đích mục tiêu đề ra (như MB, VPBank, ACB, MSB…).
Không chỉ có lợi nhuận tốt, các NH này có sự chuẩn bị tốt cho việc đối phó với nợ xấu trong tương lai, khi chất lượng tài sản dự báo giảm dần vào 6 tháng cuối năm và có thể kéo dài sang 2021. Ngược lại những NH có kết quả kinh doanh chưa khả quan trong các tháng qua sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. 
Hiện tỷ lệ nợ xấu tăng lên, cho vay èo uột ảnh hưởng đến thu nhập thuần, cộng thêm trích lập càng về cuối năm càng tăng, lợi nhuận của một số NH đang bị ăn mòn. Chẳng hạn, lợi nhuận BacABank giảm hơn 19%, KienlongBank giảm 38,7%, Saigonbank giảm 19,7%, Eximbank giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. 
Một vấn đề nữa, nhìn trên báo cáo quý III vẫn còn có một số NH chi cho trích lập dự phòng rất ít, chỉ vài chục tỷ đồng do kết quả kinh doanh quá thấp. Khi nợ xấu dự báo còn tăng mạnh trong thời gian tới, trích lập dự phòng cao được xem là bộ đệm dự phòng tài chính, giúp hoạt động kinh doanh của NH ổn định.
Như vậy, việc một số nhà băng dự phòng mỏng kéo theo lo ngại khả năng xử lý nợ trong tương lai càng rủi ro. 
Theo một chuyên gia tài chính, khi Thông tư 01/2020 của NHNN chấm dứt, các NH phải trích lập dự phòng đúng đủ, khi đó NH nào có kết quả kinh doanh yếu kém dễ rơi vào tình trạng bị lỗ và sẽ trừ vào vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ an toàn vốn. Lúc đó, uy tín của NH cũng sẽ giảm sút. Trong khi người dân và DN chỉ tin tưởng giao dịch với những NH đứng vững sau dịch bệnh. 

Các tin khác