Từng cùng nhiều nhà khoa học lên tiếng về những bất hợp lý trong khai thác bauxite tại Nhân Cơ, Tân Rai và đã đi khảo sát đánh giá tại đây, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), cho rằng cần tính toán lại hiệu quả 2 dự án và chờ kết quả thử nghiệm tại Tân Rai trước khi tiếp tục dự án tại Nhân Cơ.
Hiệu quả kinh tế: khó
Về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai, giả sử khi đi vào hoạt động, trong trường hợp lý tưởng, tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của dự án dừng ở mức 15.600 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn 10 năm, trả vào cuối kỳ, thì riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2.220 tỷ đồng/năm.
Nếu đạt 100% công suất thiết kế (0,6 triệu tấn/năm), mỗi năm nhà máy sẽ phải tiêu dùng khoảng 1,2 triệu tấn bauxite qua tuyển (khai thác tại chỗ); 0,4 triệu tấn than cám (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu đồng/tấn); khoảng 100.000 tấn hóa chất và đá vôi (vận chuyển ngược từ xa tới)…
Như vậy, giá thành alumina xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375USD/tấn. Nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 là 2.300USD/tấn, giá xuất khẩu alumina của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345USD/tấn.
Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định 20%, mỗi tấn alumina sẽ lỗ khoảng 124USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp được miễn cả thuế xuất khẩu mỗi tấn alumina sẽ lỗ ít nhất 55USD và Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD/năm.
Bể lắng quặng đuôi của Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng. Ảnh: Q.TÚ |
Ngoài ra, ngành khai khoáng trên thế giới từ trước đến nay được hình thành tổ chức theo mô hình liên kết dọc. Theo đó, các mỏ khai thác quặng gắn với nhà máy chế biến quặng, các nhà máy chế biến quặng gắn với nhà máy luyện kim.
Vì vậy, thị trường quặng nói chung, và bauxite nói riêng của thế giới có thể rất lớn nhưng rất ổn định. 77% bauxite được tiêu thụ trực tiếp cho chính nhà máy alumina được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn riêng của loại bauxite đó.
Trong khi sản lượng bauxite cao nhất của thế giới là 238 triệu tấn. Như vậy, dung lượng thị trường thế giới của bauxite ngoài luồng (nhập từ mỏ bauxite không gắn với nhà máy alumina) chỉ khoảng 50-55 triệu tấn/năm (trong năm 2012, chỉ có 10% bauxite được tiêu thụ ngoài luồng).
Lượng nhập khẩu bauxite hàng năm dự báo có thể tăng, nhưng chủ yếu do các nhà máy alumina của Trung Quốc tăng nhập (bình quân trong giai đoạn từ tháng 4-2008 đến 6-2011 lượng bauxite nhập khẩu của Trung Quốc xấp xỉ 2,5 triệu tấn/tháng, tương đương 30 triệu tấn/năm), với giá CIF khoảng 45USD/tấn.
Những tính toán cũng cho thấy dù giá CIF nhập khẩu bauxite của Trung Quốc năm 2011 bình quân khoảng 45USD/tấn, nhưng dao động rất lớn, từ hơn 30USD/tấn đến gần 70USD/tấn. Đây không phải là cơ hội cho Việt Nam.
Hậu quả môi trường: Lớn
Hiệu quả kinh tế là không nhưng dự án này lại để lại hậu quả lâu dài. Chẳng hạn với vấn đề chưa có bãi thải quặng đuôi. Đây là vấn đề quan trọng. Mặc dù bùn của nhà máy tuyển bauxite không nguy hại bằng bùn đỏ của nhà máy luyện alumina, nhưng khối lượng quặng đuôi sẽ rất lớn tương đương khối lượng quặng tinh (khoảng 25 triệu tấn/năm).
Bình quân mỗi năm trên Tây nguyên, chúng ta phải hình thành 1 hồ chứa tương đương với hồ nước Cai Bảng của dự án Tân Rai. Bên cạnh đó, diện tích chiếm đất của các bãi thải quặng đuôi sẽ rất lớn. Bãi thải quặng đuôi chủ yếu là bãi thải ướt vì phải dùng nhiều nước trong khâu tuyển quặng. Vì vậy, vị trí của các bãi thải chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp.
Ngoài ra, đối với Tây nguyên và cả nước, còn cần phải tính đến vấn đề sinh thái. Hậu quả về sinh thái nguy hiểm hơn nhiều, nhưng bây giờ chưa thể hiện. Còn đối với Vinacomin, nếu cứ quyết tâm thử nghiệm thì nguy cơ bauxite sẽ trở thành thảm họa kinh tế đối với cả ngành công nghiệp than ở Quảng Ninh.
Khoảng 99,36% lợi nhuận thu được để Vinacomin đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án bauxite-alumina) có nguồn gốc từ ngành than. Nếu ngành than bị mất vốn đã đầu tư vào bauxite và trong tương lai vẫn phải tiếp tục gánh lỗ cho bauxite như đã phân tích ở trên còn là thảm họa đối với cả nền kinh tế.
Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn muốn khuyên Vinacomin 2 điều: Hãy dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai nếu có hiệu quả hãy triển khai tiếp Nhân Cơ.
Hãy tập trung nguồn lực để phát triển ngành than ở Quảng Ninh (dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu USD). Còn trong tình cảnh chung của đất nước, nếu không có alumina, Tây nguyên vẫn phát triển được, còn thiếu than thì cả nền kinh tế sẽ gay go.