Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tiến hành rút gói QE3 (gói nới lỏng định lượng lần 3) vào tháng 10-2014, làn sóng rút vốn khỏi thị trường mới nổi đã trở thành xu hướng của dòng vốn quốc tế. Các thị trường tài chính ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia... đang đối diện với dòng vốn rút ra và đồng USD mạnh lên. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng đó.
Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K3): Mất niềm tin tiền giấy
Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K2): Rủi ro sụp đổ toàn cầu
Hệ quả chiến tranh tiền tệ (K1): Cuộc chơi của nước lớn
Tổn thương do đồng USD mạnh
Rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng rằng việc thực hiện nới room cho NĐT nước ngoài trong một tham vọng nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên sang mới nổi sẽ thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong năm 2015; hoặc hy vọng dòng vốn ngoại thoát khỏi Trung Quốc sẽ chảy sang Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều yếu điểm khiến nền kinh tế Việt Nam cần cảnh giác với khả năng rút vốn mạnh hơn nữa và nguy cơ mất an toàn nợ quốc gia khi FED thực hiện chính sách đồng USD mạnh.
Đồng USD mạnh sẽ hút dòng vốn gián tiếp khỏi Việt Nam giống như thời điểm cuối năm 2014. Với 37 tỷ USD dự trữ ngoại hối và 10 tấn vàng, Việt Nam có lá chắn phòng ngừa tốt hơn so với trước đây, nhưng chưa có gì khẳng định điều này là an toàn. |
Thứ nhất, nợ công của Việt Nam đang là vấn đề gây tranh cãi. Vào tháng 7-2015, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nợ công Việt Nam đã tăng nhanh trong những nằm gần đây và đến cuối năm 2014 đã ở mức 110 tỷ USD, cao hơn so với số liệu từ Chính phủ Việt Nam. Tỷ lệ nợ công/GDP theo WB ở mức 59%, tăng mạnh so với mức 50% vào năm 2011.
Tuy nhiên, con số nợ công này chưa tính đến nợ tiềm tàng từ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Bản báo cáo về tình hình nợ công thế giới của Bank of America vừa công bố vào đầu tháng 8 cho thấy nợ công Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất. Xu hướng tăng nợ công của Việt Nam đang là vấn đề lo ngại khi thâm hụt ngân sách tăng. Theo ADB, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có thể lên mức 60% vào năm 2016. Bộ Tài chính Việt Nam dự báo kế hoạch nợ công chạm mức 65% GDP vào năm 2017 mới thực hiện thắt chặt tài khóa.
Thứ hai, vấn đề của nợ công Việt Nam là cơ cấu nợ ngắn hạn lớn. Phần lớn các khoản nợ có kỳ hạn trung bình khoảng 3,1 năm vào năm 2013 và 4,8 năm vào năm 2014. Như vậy, với các khoản nợ công tăng dần từ năm 2011, khả năng Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ áp lực trả nợ tăng cao từ năm 2016 trở đi. Thứ ba, Việt Nam không có nguồn thu ngân sách ổn định. Ước tính nguồn thu từ dầu thô đang đóng góp 20-30% ngân sách của Việt Nam, trong khi đó khả năng cắt giảm thâm hụt ngân sách rất thấp với cơ cấu 70% chi thường xuyên và 15% chi trả nợ.
3 yếu điểm này sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương khi FED thực hiện chính sách đồng USD mạnh trong năm vài năm tới. Chính sách này cũng như việc Iran đã có được thỏa thuận hạt nhân với Hoa Kỳ để có thể bán dầu ra thị trường, tạo ra viễn cảnh giá dầu có thể chạm mốc 15-25USD/thùng. Điều này có thể giáng một đòn nặng lên tình trạng ngân sách của Việt Nam. Việt Nam đầu năm 2015 vẫn đang dự toán nguồn thu từ dầu với kịch bản giá dầu ở mức 100USD/thùng. Trong khi đó, thực tế giá dầu đã đạt đỉnh mức cao nhất 62USD/thùng vào tháng 6-2015 và hiện giao dịch ở mức 40USD/thùng. Do vậy lo ngại về nợ công là hoàn toàn có thể nếu giá dầu tụt quá sâu trong vài năm tới.
Nguy cơ làn sóng rút vốn
Tính chung trong năm 2014, tổng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam khoảng 122 triệu USD, nhưng đã giảm 112 triệu USD so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, khối ngoại cũng đã rút ròng hơn 100 triệu USD trong quý IV-2014, là thời điểm FED rút QE3. Đây là lý do tại sao TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh hơn 10% kể từ tháng 10-2014. Và việc vào tháng 1 và 5-2015, Việt Nam phải 2 lần phá giá tiền tệ khoảng 2%, cho thấy áp lực rút vốn khỏi Việt Nam.
Mặc dù con số đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam chỉ ở mức vài trăm triệu USD mỗi năm, nhưng phần chìm của dòng vốn này không có số liệu nào thu thập. Vào quý I-2014, Việt Nam mua hơn 7,7 tỷ USD ngoại hối chỉ trong thời ngắn và giới kinh doanh tiền tệ đang đặt câu hỏi về hoạt động carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất) giữa VNĐ và USD tại Việt Nam. Rõ ràng, có dấu hiệu về dòng vốn nóng đổ vào Việt Nam và dòng vốn này hoàn toàn có thể thoát ra khi FED thực hiện nâng lãi suất (có thể ngay trong tháng 9 này).
Việc dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng mạnh từ mức 9 tỷ USD vào năm 2011 lên 37 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, cũng là khoảng thời gian dòng vốn quốc tế di chuyển từ Hoa Kỳ sang các nước mới nổi và cận biên hoàn toàn có thể xuất hiện dòng vốn nóng ở trong đó. Việt Nam đang ở thế kẹt giữa việc duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và vấn đề vay nợ giải quyết thâm hụt ngân sách.
Mặc dù lãi suất của vay nợ của trái phiếu chính phủ chỉ ở mức 7,9% năm 2013 và 6,6% năm 2014, nhưng có bằng chứng cho thấy lãi suất vay nợ của Việt Nam phải tăng lên khi lãi suất thế giới tăng. Vào tháng 9-2014, khi lãi suất trái phiếu Junk Bond của Hoa Kỳ tạo đáy và tăng vọt, lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam cũng tăng theo. Việc tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế càng gặp khó khăn, tạo ra nguy cơ thâm hụt ngân sách lớn và rủi ro cho nợ công.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu FDI đang là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Họ không muốn Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh. Trong năm 2014, đồng rúp đã mất giá 50% so với USD; đồng EUR mất giá 13% so với USD; đồng yen Nhật mất giá 14% so với USD; đồng bath Thái Lan mất giá 13% so với USD; đồng đô la Singapore mất giá 9,7% so với USD; đồng ringit của Malaysia mất giá 21,5% so với USD... Từ năm 2014 đến nay đồng NDT của Trung Quốc chỉ tăng giá 4% so với USD. 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Eurozone, Hoa Kỳ, ASEAN và Trung Quốc, nhưng có thể thấy rằng Việt Nam đang mất lợi thế so với khu vực Eurozone và ASEAN.
Tác động từ TTCK Trung Quốc
Việt Nam thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc và cũng có nhiều lĩnh vực xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Việc NDT có bị bán tháo mạnh trong bối cảnh làn sóng tháo vốn xuất hiện hay không là một nghi vấn đang được đặt ra. Phân tích trong Kỳ 1 cho thấy đợt phá giá vào tháng 8-2015 của đồng NDT là do quốc gia này bị tháo vốn, không phải chủ động giảm giá tạo cạnh tranh cho xuất khẩu. Nếu đồng NDT bị bán tháo, VNĐ cũng sẽ bị phá giá theo. Do đó, kịch bản Việt Nam không còn giữ được sự ổn định của đồng nội tệ và thậm chí phải phá giá mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu Trung Quốc thất bại trong khả năng kiểm soát vốn.
Lao dốc của TTCK Trung Quốc trong tháng 8 đã làm cho nhiều NĐT lao đao. |
Những phân tích ở trên cho thấy mối quan hệ giữa nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc, cả Việt Nam và Trung Quốc đang bị động bởi chính sách đồng USD mạnh của FED. Theo cảnh báo của Công ty Elliott Wave International (EWI) vào tháng 7-2015, độ tương quan giữa TTCK Việt Nam và TTCK Trung Quốc khá cao. EWI chỉ ra lịch sử vào năm 2007, Việt Nam đổ vỡ bong bóng còn sớm hơn cả Trung Quốc. Tuy nhiên, đến khi nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ và TTCK suy giảm mạnh, TTCK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề trong năm 2008.
Lịch sử đang lặp lại điều đó. Vào tháng 9-2014, chỉ số VN Index đạt đỉnh 640 điểm trước khi FED tiến hành kết thúc QE3. Trong khi đó, TTCK Trung Quốc lại khởi đầu một chu kỳ bong bóng và đến tháng 6-2015 mới bắt đầu sụp đổ. VN Index hiện tại đạt đỉnh vào giữa tháng 7-2014 và bắt đầu tụt dốc mạnh trong tháng 8-2015 khi đồng NDT bị phá giá. Nếu như mối quan hệ trên còn tiếp tục, sự sụp đổ của TTCK Trung Quốc sẽ cho thấy khả năng suy giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Các NĐT trên TTCK Trung Quốc đang lo ngại khi có sự tham gia của nhà bán khống huyền thoại George Soros.