"Tắc" cả 2 đầu xuất - nhập
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%). Trong 4 tháng, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, Trung Quốc và EU đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) chỉ đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21%; Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; EU chỉ đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%. Các thị trường còn lại cũng giảm như ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.
Theo bà Hà Thị Kim Nga, cán bộ kinh tế cao cấp Văn phòng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự giảm sút của 2 thị trường lớn Mỹ và EU, bởi 2 thị trường này đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao, sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu.
Theo bà Nga, sự phục hồi của 2 thị trường xuất khẩu lớn này ra sao phụ thuộc rất nhiều vào việc điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát của họ như thế nào. Tất nhiên, điều này không thể “một sớm một chiều”. Đây cũng là thử thách rất lớn đối với nhiều DN sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Nhiều DN thuộc các nhóm các ngành xuất khẩu “mũi nhọn”, nay đã buộc phải tính toán lại “kế hoạch đường dài” thay vì kỳ vọng.
Không chỉ xuất khẩu giảm tốc, nhập khẩu cũng giảm mạnh. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm chỉ đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022. Trong sự sụt giảm chung đó, đáng lo ngại nhất vẫn là kim ngạch nhập khẩu của các khối DN đều có sự sụt giảm mạnh, điều này dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam, là “kênh đầu vào” cho sản xuất. Hiện Trung Quốc đã mở cửa nối lại giao thương nhưng vẫn không được như kỳ vọng, và rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng và thị trường vẫn thường trực.
“Mô hình kinh tế Việt Nam và cũng như các nước ASEAN hiện nay đều là nhập khẩu (đầu vào sản xuất) rất nhiều từ Trung Quốc, và xuất khẩu (đầu ra) sang Mỹ, EU và các nước khác. Nếu một trong các yếu tố cấu thành chuỗi sản xuất bị xảy ra vấn đề, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị chững lại” - TS. Thành cảnh báo.
Cần giải pháp thiết thực
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, thị trường trong nước cần tiếp tục được chú trọng phát triển mạnh mẽ hơn, giữ vững vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế và tiếp sức cho DN về đầu ra sản xuất.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), kích cầu nội địa vẫn sẽ là chìa khóa duy nhất để “cứu” tiêu dùng khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng. Bởi DN gặp khó khăn xuất khẩu sẽ có chiến lược quay về thị trường nội địa. Với tình hình tiêu dùng trong nước hiện nay đang suy giảm, cần có giải pháp đi kèm, trong đó giảm giá sẽ là hữu hiệu nhất để kích cầu. Nhưng muốn giảm giá DN sản xuất buộc phải giảm chi phí sản xuất đầu vào. Và để làm được điều ấy đòi hỏi Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thực sự hiệu quả dành cho DN.
Nhiều DN cho biết họ đang chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng khi chi phí đầu vào sản xuất không giảm, vẫn ở mức cao. Vừa qua, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% được xem là tín hiệu tốt cho cả người dân lẫn DN, khi thông qua có thể giúp tiêu dùng nội địa khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, như vậy vẫn chưa đủ. Để tiếp tục duy trì sức mua còn phải cần nhiều công cụ hơn, trong đó có cả việc bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu đóng vai trò đầu vào quan trọng cho sản xuất như xăng dầu, điện, than.
Thế nhưng, trong khi chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước chưa kịp phát huy hiệu quả, chi phí đầu vào sản xuất lại có dấu hiệu tăng lên và “lấn át”. Việc điều chỉnh giá bán điện trong nước tăng thêm 3% được xem như “cú đánh” trực diện vào nhiều DN sản xuất khi đẩy chi phí đầu vào (điện) tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI, nên điện tăng 3% trực tiếp làm CPI tăng 0,105%, tăng 5% CPI tăng 0,175%.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, giá điện và giá xăng là giá đầu vào của hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Khi giá điện tăng sẽ tác động đến cả lực cầu và lạm phát có thể tăng lên. Điều này càng khiến DN sản xuất đang rất khó khăn càng thêm khó khăn.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và các bộ, ngành cũng lên kế hoạch để cho ra các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này đến đâu cần phải có những giải pháp kèm theo trợ lực, trong đó bình ổn giá cả của nguyên nhiên liệu đầu vào rất quan trọng.
Để DN vượt qua được thử thách trong giai đoạn khó khăn và kinh tế duy trì đà tăng trưởng, phụ thuộc nhiều vào việc điều hành giá cả để kích cầu tiêu dùng trong nước.