PHÓNG VIÊN: - Như Bộ trưởng nói chúng ta cần phải có được “sếu đầu đàn”, đó là lực lượng DN vững mạnh và những tập đoàn lớn. Vậy hình dung tầm vóc, dung mạo của những “con sếu” này như thế nào và đâu sẽ là những “sếu đầu đàn”?
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: - Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các DN có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn”, trên cơ sở đánh giá nội lực của DN và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay “lắp ráp” một cách cơ học.
Những DN này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố như quy mô, thị phần và thị trường, quản trị, ngành, lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của DN. Theo đó, các DN quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế.
Đồng thời phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài), và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. Từ đó mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa đến các DNNVV, cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng…
- Vậy theo Bộ trưởng chúng ta đang và sẽ làm gì để có được những “con sếu đầu đàn” đó?
- Khi đã xác định được các DN quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, thì việc đổi mới tư duy và xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để các DN này phát triển là điều cần thiết. Với góc nhìn của Bộ KH-ĐT, các DNNN (DN nhà nước) lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới, tập trung vào R&D (nghiên cứu và phát triển), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng, tài chính… để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho DN tư nhân (DNTN) ở những lĩnh vực khác.
Đối với “sếu đầu đàn” là các DNNN, cần phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý. Đã có quan điểm cho rằng, quản lý DNNN hiện đang nặng về kiểm soát, khiến DNNN không được quyền tự chủ để đối phó với những thay đổi trong phương thức sản xuất. Do vậy, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường.
Đó là phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN và quản lý theo mục tiêu. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho các DNNN quy mô lớn, trên cơ sở cho phép giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc một phần lợi nhuận sau thuế để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với sự phát của đất nước.
Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đối thoại nhiều hơn với DNNN quy mô lớn, lắng nghe những tâm tư, khó khăn của DN để kịp thời tháo gỡ, khơi thông nguồn lực của DN.
Với những định hướng giải pháp nêu trên và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, DNNN sẽ tiếp tục làm tốt vai trò mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với “sếu đầu đàn” là DNTN, cần tập trung vào các giải pháp. Thứ nhất, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển, như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp DN giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; minh bạch, công khai, không tạo nên sự “khó hiểu” cho DN. Điều này sẽ giúp cho DN triển khai kịp thời những kế hoạch, chương trình kinh doanh, bắt nhịp được những yêu cầu của thị trường mà không bị cản trở bởi độ trễ của thủ tục.
Thứ hai, trong thời gian tới cần tập trung vào các DN có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các DN có quy mô vừa và lớn trong tương lai.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Đây là một trong những con đường ngắn nhất để giúp các DN tích tụ nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho DNTN; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các DN; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho DN…
Thứ năm, đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư. Chính vì vậy, cần thiết nghiên cứu và xây dựng những mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động R&D của khu vực DN. Đây là mô hình hợp tác đã được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Đức, Nhật Bản…).
- Như vậy nhiệm vụ chính và hàng đầu là bằng mọi giá phải tháo gỡ khó khăn cho DN?
- Theo quan điểm của Bộ KH-ĐT, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DN nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển.
Cụ thể là quán triệt thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển DN; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo Hiến pháp và pháp luật; kiến tạo phát triển và kiểm soát rủi ro, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng DN, doanh nhân; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN...
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Hãy coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Từ đó mới khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế... |