Thiếu thực chất, chưa hiệu quả
Cần nhìn vào một thực tế rằng, qua những đợt dịch Covid-19 bùng phát trước đó cho đến nay, cho thấy niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào các nhóm chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã bị suy giảm đi rất nhiều, khi các chính sách này không đến được đúng đối tượng hỗ trợ, hoặc do khoảng cách thực thi có độ trễ quá lớn.
Gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ trong các đợt dịch từ năm ngoái, đến nay khi tổng kết lại tỷ lệ giải ngân được rất ít, thống kê chỉ được khoảng 22%. Hay như những gói cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động rất ít doanh nghiệp nhận được, trong khi gói hỗ trợ này rất cần thiết, vì sẽ giúp đạt cả hai mục tiêu vừa hỗ trợ, cứu nguy cho doanh nghiệp, vừa thông qua đó giúp hỗ trợ gián tiếp cho đời sống của người lao động vượt qua đại dịch, duy trì công ăn việc làm.
Số liệu báo cáo trình ra Quốc hội cho thấy, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân cho 245 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, chỉ mới nhận và giải quyết cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.
Theo thống kê, các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó có đến 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được hưởng chính sách này.
Lần này, rút kinh nghiệm trước đó, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm hơn, như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH từng nói trên báo chí, rằng chỉ 3 tuần nữa thôi tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân. Nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn lo ngại, bởi đi kèm với đó là bao nhiêu thủ tục rườm rà, kéo dài như các lần trước khiến cho cả doanh nghiệp và người dân đều cảm thấy mệt mỏi.
Cần một “tiền lệ” về chính sách thuế
Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là việc “phát tiền”, bởi đó là nhóm giải pháp hỗ trợ về chính sách, trong đó trọng tâm là chính sách hỗ trợ về thuế.
Thời gian qua ngành thuế dường như đang tồn tại một nghịch lý. Những báo cáo về công tác thu ngân sách của cơ quan thuế có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là dù đang lúc dịch Covid-19 bùng phát mà báo cáo ngành thuế vẫn cho thấy thu ngân sách tăng cao, tăng nhiều so với chi, thậm chí vượt mức kế hoạch so với cùng kỳ những năm trước đó.
Đây là điều lạ lùng. Có lẽ chúng ta cần nhìn rõ vào sự thực, đã đến lúc không nên lấy những con số này để làm vui mừng, mà đây là một nghịch lý, thậm chí còn có thể là nguy cơ cho kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nếu nguồn thu bị giảm xuống và chi tiêu tăng lên có vẻ hợp lý hơn. Bởi khi Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, giảm thuế và các chi phí khác cho người dân đỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 (điện, nước, thuê nhà, thuế, phí, viễn thông…) thì nguồn thu ngân sách suy giảm là điều tất yếu, hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Mặt khác, con số chi tiêu tăng lên cũng phần nào cho thấy những gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang được triển khai đúng tiến độ. Chúng ta nói nhiều đến thắt chặt chi tiêu công, điều này cũng hàm ý cắt giảm chi tiêu phải xuất phát từ phía Nhà nước, chủ động tiết kiệm chi thường xuyên; hay như một số dự án đầu tư định thực hiện tạm thời hoãn lại, dồn nguồn lực cho hỗ trợ chống dịch và giải cứu doanh nghiệp.
Điều này cho thấy những báo cáo của các cơ quan thuế như vừa qua phần nào cho thấy chính sách hỗ trợ về thuế vẫn chưa thực chất. Các cơ quan chức năng vẫn chưa dám chấp nhận suy giảm tài khóa, chưa dám để nghành thuế nên có sự nới lỏng, giảm nguồn thu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp một cách nhất quán.
Về cơ bản, nguồn thu thuế từ doanh nghiệp và người dân chứ không phải ngành thuế tự làm ra được. Do vậy cần có sự “nới room” trong thu thuế, đó là một số loại thuế nên được miễm, giảm hoặc hoãn để cho doanh nghiệp và người dân có thể tồn tại vượt qua đợt dịch, trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới có thể duy trì được nguồn thu tiếp trong tương lai.
Nếu chính sách thuế siết chặt đồng nghĩa không hỗ trợ kịp thời, thì khi doanh nghiệp “chết” sẽ chẳng còn nguồn thu thuế cho tương lai, trong dài hạn sẽ là nguy cơ cho ngân sách.
Đã đến lúc chính sách hỗ trợ thuế cần thực chất, hiệu quả, không nên “so kè” bằng các biện pháp kỹ thuật chính sách như hiện nay, mà cần phải tính đến chuyện dài hơi. Nếu như hiện nay ngành thuế và Bộ Tài chính không chủ động đưa ra việc “nới room” điều kiện thu thuế, thì Chính phủ là cơ quan đứng đầu cần phải chủ động yêu cầu thực hiện.
Thậm chí, sắp tới kỳ họp Quốc hội, Quốc hội nên chủ động đưa việc này ra để lấy ý kiến biểu quyết và yêu cầu Chính phủ thực hiện, bởi dịch còn kéo dài và nhiều nước đã xác định phải chung sống với dịch, chính sách hỗ trợ chậm trễ có thể khiến các doanh nghiệp “chết lâm sàng”.
Vào những thời điểm khó khăn và nhạy cảm, Nhà nước cần phải có chính sách phù hợp, để vừa giữ được lợi ích kinh tế về lâu dài, cũng vừa đảm bảo được đời sống an sinh cho người dân, không thể và không nên chạy theo những “con số đẹp” trên các báo cáo. |