Chúng ta có thể cảm nhận được qua những chuyến bay rỗng khách, những khách sạn và khu du lịch vắng bóng người, những nhà hàng và cơ sở dịch vụ đìu hiu không có khách. Hàng hóa không bán được, dịch vụ không cung cấp được, nhưng các DN vẫn đang phải trả đủ cả tiền lãi vay, tiền lương công nhân, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội, nhiều loại tiền thuế, phí khác…
Với nhiều DN, khó khăn nhất bây giờ là đảm bảo được dòng tiền thanh toán. Khi doanh thu không có, nguồn dự trữ dự phòng hạn chế, DN rất chật vật để trả các khoản trên.
Nhiều giải pháp yêu cầu các bộ, ngành phải thực hiện và báo cáo kết quả ngay trong tháng 3, như yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cần trình ban hành hay chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, giãn, giảm thuế và cắt giảm chi phí….
Có những giải pháp hết sức cụ thể như không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với DN không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, để tạo điều kiện tối đa cho DN giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những nhóm giải pháp lớn, dài hạn như thúc đẩy thanh toán điện tử, vấn đề Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện thời gian qua, và thúc đẩy cắt giảm thủ tục hành chính... Những vấn đề này trước đây chúng ta còn chần chừ, đây chính là thời điểm buộc chúng ta phải thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn để hỗ trợ DN.
Giãn, giảm các loại thuế, khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, các khoản lệ phí khác… có lẽ là nhóm giải pháp được nhiều DN trông chờ nhất. Nó giúp giảm nhiều gánh nặng trong kinh doanh cho DN.
Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thành và công bố dự thảo về nghị định liên quan đến các nhóm giải pháp về thuế. Dù DN đã rất cố gắng để giảm giá, kích cầu nhưng gánh nặng thuế phí vẫn quá lớn. Chẳng hạn giá cước hàng không, cước vận chuyển các hãng hàng không đã giảm mạnh, nhưng các loại lệ phí cảng hàng không thu vẫn rất cao, chiếm tỷ lệ lớn trên giá vé, nên nỗ lực của DN thôi chưa đủ.
Cũng có DN băn khoăn nếu giãn hay hoãn thu thuế VAT và thuế thu nhập DN cần chú ý đến việc các khoản thuế 2019 hầu hết DN đã nộp. Nếu không thiết kế tốt, việc giãn thuế năm 2019 có thể chỉ có lợi cho những DN có mức độ tuân thủ thấp, cố tình nợ đọng thuế, và như vậy sẽ khuyến khích việc cố tình nợ thuế.
Trong khi với nhiều DN làm ăn nghiêm túc đã nộp thuế, sang giai đoạn hiện nay không còn nhiều công ty, không có lợi nhuận, việc giãn thuế VAT và thuế thu nhập DN sẽ không có nhiều ý nghĩa.
DN Việt Nam khác cơ bản DN các nước là khả năng huy động vốn từ thị trường vốn rất hạn chế nên phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nhiều. Dù đã giảm nhiều so với trước nhưng lãi suất vay vốn tại ngân hàng ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước, chi phí vốn cho kinh doanh rất cao.
Do đó, chương trình hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng trong Chỉ thị 11 (gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 250.000 tỷ đồng) cho DN là điều rất quan trọng. Hiện đã có nhiều ngân hàng chủ động vào cuộc để giúp đỡ DN.
Tuy nhiên, bản chất ngân hàng cũng là DN, ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn tín dụng họ còn phải tính đến các bài toán về chi phí, về lợi nhuận nên không thể muốn là giảm lãi suất ngay được. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất lớn, phải sửa các quy định để ngân hàng có thể giãn các khoản vay không phải trích phòng nợ xấu.
Các khoản vay của DN bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh có thể giãn mà DN không bị chuyển hạng tín nhiệm tín dụng, điều này sẽ ảnh hưởng đến lãi vay, chi phí vay vốn của các DN sau này.
Chỉ thị 11 được ban hành là tín hiệu rất tích cực. Song thực tế nhiều DN vẫn có định kiến về các chương trình hỗ trợ do việc thực thi chưa tốt, chỉ một số DN lớn được thụ hưởng, nhiều DN khác không thể tiếp cận. Hy vọng việc thực thi Chỉ thị 11 này sẽ xóa đi được những định kiến trên của DN và người dân. Nhanh chóng và thực chất có lẽ là 2 kỳ vọng nhất của DN về Chỉ thị 11 quan trọng này.