Một số quan điểm băn khoăn việc VNA được ưu ái so với các hãng hàng không khác đang có cùng khó khăn, trong khi nhiều ý kiến cho rằng cứu hãng hàng không quốc gia vào thời điểm này là cần thiết.
Trách nhiệm chủ sở hữu
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM), trước hết cần phải hiểu bản chất của giải pháp này không phải là việc giải cứu của cơ quan quản lý nhà nước đối với một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần, mà là trách nhiệm của chủ sở hữu đối với phần vốn của mình. Hơn nữa, hãng hàng không quốc gia cần thiết phải duy trì một cơ thể khỏe mạnh để làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và bộ mặt ngành hàng không những năm tiếp theo.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trong trường hợp này không dùng từ “giải cứu”, mà Chính phủ phải có hành động và trách nhiệm tháo gỡ khó khăn với tư cách là cổ đông lớn nhất khi Nhà nước đang nắm giữ 86% cổ phần. Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), nhận định nếu không hỗ trợ Vietnam Airlines thời điểm này, không những phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không được bảo toàn, an sinh xã hội cũng bị ảnh hưởng do hàng ngàn lao động mất việc. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nên có các biện pháp mạnh tay để hỗ trợ cả các hãng hàng không khác.
Cái khó hiện nay là tất cả doanh nghiệp hàng không đều đang bị thiệt hại lớn bởi dịch và cùng đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền chứ không chỉ VNA. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước đang phải chia sẻ cho nhiều nhiệm vụ kinh tế, xã hội quan trọng, nên việc đưa “phao cứu hộ” cho tất cả các hãng gần như bất khả thi. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA được đưa ra thực ra mới để đảm bảo hãng hàng không quốc gia duy trì hoạt động, không bị rơi vào nguy cơ phá sản, chứ chưa đủ để vượt qua khó khăn, đạt được kết quả như thời điểm trước dịch.
Triển khai càng sớm càng tốt
Triển khai càng sớm càng tốt
Theo thông tin từ Vietnam Airlines, trong quý III-2020, doanh thu thuần của hãng đạt hơn 7.602 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hành khách nội địa giảm 34,8%, quốc tế giảm 95,4% và doanh thu thuê chuyến giảm 53,2%. Tình hình kinh doanh sụt giảm khiến dòng tiền của hãng đang cạn kiệt nghiêm trọng, hãng liên tục phải thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, tăng các khoản vay ngắn hạn, đẩy lùi thời hạn trả nợ dài hạn. Từ chỗ hầu như không có dư nợ ngắn hạn, đến nay VNA đã tăng nợ vay ngắn hạn lên hơn 5.300 tỷ đồng và dự kiến con số này sẽ còn tăng. Bên cạnh đó, các khoản vay trung, dài hạn phải giãn hoãn trả nợ 4.300 tỷ đồng, dự kiến sẽ cán mốc 6.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc VNA, cho biết thị trường quốc tế là nguồn doanh thu chủ yếu đối với Vietnam Airlines. Song với tình hình dịch bệnh căng thẳng đang quay lại ở nhiều quốc gia, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục đóng băng, dự báo hãng chưa thể hồi phục ít nhất phải đến tháng 10 năm sau. Chỉ riêng thị trường nội địa, kể cả đã phục hồi như trước khi có dịch, nhưng do phải kinh doanh dưới giá vốn, trong năm 2021 mỗi ngày VNA dự kiến lỗ 55-60 tỷ đồng.
Cũng theo ông Quang, các hãng hàng không trên thế giới nếu không được tài trợ từ chính phủ hoặc tổ chức tài chính đều phải đệ đơn phá sản. Với VNA, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng đã được đề xuất từ hồi tháng 7 nhưng mới đây mới được Quốc hội thông qua. Trong hơn 4 tháng chờ đợi, hãng phải rất nỗ lực để cầm cự hoạt động. Đến thời điểm này, sức chịu đựng của hãng đã tới giới hạn, nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn không được triển khai ngay mà để kéo sang quý I-2021, hãng sẽ rất khó gượng lại.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, tình hình kinh doanh của các hãng hàng không sẽ còn tiếp tục khó khăn hết năm 2021 và ảnh hưởng còn kéo dài nhiều năm tiếp theo. Trước tình hình này, đại diện VNA đã kiến nghị Bộ GTVT sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không, từ đó có những quyết sách mang tầm vĩ mô và dài hơi để cứu ngành hàng không. Là ngành đặc thù, các hãng hàng không trong nước không chỉ cần “sống” được qua đại địch, còn cần có đủ lực để cạnh tranh với hàng không thế giới khi thị trường hồi phục. Bên cạnh đó, đại diện VNA cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ chung đang thực hiện cho ngành hàng không, như giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh... được kéo dài đến 31-12-2021.
Hãng hàng không quốc gia VNA cần thiết được hỗ trợ để duy trì một cơ thể khỏe mạnh làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và bộ mặt ngành hàng không những năm tiếp theo. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM |
IATA dự báo năm nay sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không". Ước tính đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thua lỗ kỷ lục khoảng 100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Riêng châu Âu, theo ước tính trong năm 2020 ngành vận tải hàng không sẽ mất 44% doanh thu. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, chưa biết khi nào hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không và sân bay quốc tế mới trở lại bình thường. Đi lại bằng đường hàng không trên bình diện toàn thế giới trong trạng thái "bình thường mới" được đánh giá là sẽ không dễ dàng, bởi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về phòng dịch và giãn cách xã hội. Do vậy sa thải hay cho nhân viên tạm nghỉ hoặc có nguy cơ bị cho nghỉ là điều mà hầu hết các hãng hàng không lựa chọn thời điểm này. Tính đến nay các quốc gia trên thế giới đã cấp các khoản viện trợ có tổng giá trị lên tới 123 tỷ USD, nhằm giúp các hãng hàng không có thể "sống sót" sau đại dịch Covid-19. Đơn cử như khi Chính phủ Pháp đề xuất cho các hãng hàng không được chậm thuế 2 năm, Ủy ban châu Âu đã đồng ý ngay lập tức. Ủy ban châu Âu còn quyết định cho phép chính phủ các nước châu Âu rót tiền trợ cấp trực tiếp cho các hãng hàng không, cho chậm thuế hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh vay, cho vay ưu đãi và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. |