Hoàn thiện chiến lược phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

(ĐTTCO) - Ngày 25-3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã tổ chức Diễn đàn “Tương lai Chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam” nhằm thảo luận về các cơ hội và thách thức tiến tới Ngân hàng số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hoàn thiện chiến lược phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Ngành công nghiệp ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng.
Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin (IT) và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch cụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này. 
Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam, cho biết hiện nay mới chỉ có 42% ngân hàng đang xây dựng chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng. 
“Tình trạng này có 4 nguyên nhân chính. Phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng; chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ (water fall), chưa có tư duy làm việc theo Phương pháp Agile; hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại (legacy system) và vấn đề này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin” - bà Dương nói.
Để phát triển nền kinh tế số Việt Nam, theo các diễn giả tại diễn đàn, các ngành, lĩnh vực đều phải cơ cấu lại cho phù hợp theo hướng số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến tài chính, tín dụng quốc gia càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Cuộc cách mạng công nghệ không chỉ là vấn đề số hóa mà còn là sự thay đổi hệ thống thể chế chính sách. 

Các tin khác