Hoàn thiện quản lý thuế xuyên biên giới

(ĐTTCO) - Việc hoàn thiện khung khổ chính sách và phương tiện quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là bước đột phá về cải cách, khi cùng lúc đạt được cả 2 mục tiêu: Tạo đà thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) cho nền kinh tế và bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách nhà nước (NSNN). Và hiện nay có dấu hiệu khả quan.

HĐĐT là động lực CĐS, tránh thất thu thuế xuyên biên giới.
HĐĐT là động lực CĐS, tránh thất thu thuế xuyên biên giới.
Khai thông hóa đơn điện tử
Đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sau 8 tháng triển khai (bắt đầu thí điểm từ tháng 11-2021), chương trình hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã thu được kết quả rất khả quan.
Tính đến ngày 24-5, cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp (DN) - chiếm 92,6% tổng số DN đang hoạt động, và 52.778 hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký chuyển đổi sử dụng sang HĐĐT. Số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý hơn 318 triệu hóa đơn. Năng lực vận hành của hệ thống cổng thông tin xử lý HĐĐT được đánh giá rất tốt, dự kiến trung bình mỗi năm xử lý 6,5-7 tỷ HĐĐT. 
Như vậy, mục tiêu đến ngày 1-7-2022, toàn bộ người nộp thuế trong cả nước chuyển sang sử dụng HĐĐT chắc chắn đạt được. Kết quả này không chỉ có giá trị tinh gọn về thủ tục, nhanh chóng về phương thức, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người nộp thuế, còn có ý nghĩa quan trọng đối với áp dụng CĐS trong công tác quản lý thuế, đảm bảo nguồn thu cho NSNN. 
Cùng với hệ thống tài chính - ngân hàng, hệ thống thuế được đánh giá là khâu quan trọng nhất trong CĐS, bởi khi số hóa hệ thống thuế sẽ tạo động lực để các lĩnh vực khác chuyển đổi theo. Thực tế, không có lĩnh vực nào có “mẫu số chung” như lĩnh vực thuế. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa là điểm đầu mối liên quan đến tất cả ngành, lĩnh vực, cả cơ quan hành chính nhà nước lẫn cộng đồng DN và các cá nhân kinh doanh. 
Vì vậy, việc áp dụng HĐĐT có vai trò thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia, như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, DN, bảo hiểm xã hội, đất đai… Xa hơn nữa, còn tạo đà cho xây dựng hệ sinh thái số, đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Thu thuế xuyên biên giới
Một sự kiện được người dùng mạng xã hội Facebook (đổi tên là Meta) chú ý gần đây, là DN này thông báo bắt đầu từ ngày 1-6 sẽ thu thêm phí 5% đối với dịch vụ quảng cáo trên Facebook để nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Tổng cục Thuế công bố cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile), nhằm tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý tồn tại từ nhiều năm nay, buộc các DN xuyên biên giới đang hoạt động thương mại theo mô hình B2C phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho doanh thu từ các giao dịch với khách hàng cá nhân Việt Nam. Với những ứng dụng trên, thủ tục nộp thuế của các DN này được thực hiện đơn giản và dễ dàng hơn. 
Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc thu đủ thuế dịch vụ xuyên biên giới. Các DN xuyên biên giới từ ngày 21-3 có thể đăng ký hồ sơ, kê khai, nộp thuế hoàn toàn trực tuyến. Cơ quan quản lý Việt Nam hoàn toàn nắm được thông tin và dữ liệu liên quan về các giao dịch với tổ chức hoặc cá nhân Việt Nam. Do đó, động lực để các DN xuyên biên giới cũng như các khách hàng của họ tại Việt Nam kê khai giao dịch và nộp thuế cao hơn.
Trước đó, hồi đầu năm nay, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết cơ quan thuế đã thu được khoảng 5.000 tỷ đồng từ các hoạt động TMĐT, bao gồm cả xuyên biên giới. Như vậy, sau hàng chục năm kể từ khi các tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đã hoạt động kinh doanh vững chắc ở Việt Nam như Google, Facebook…, lần đầu tiên cơ quan thuế mới có thể thu được tiền thuế từ những đối tượng này. 

Bù đắp NSNN
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia về thuế cho biết hiện nay cơ cấu nguồn thu NS của Việt Nam có sự thay đổi lớn. Cụ thể, nguồn thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu đang giảm mạnh (do Việt Nam tham gia nhiều FTA với những quy định về cắt giảm thuế quan), nên sẽ phải chuyển dần sang thu nội địa. Trong các khoản thu nội địa, tỷ trọng nguồn thu từ thuế chiếm lớn nhất.
Do đó, việc chuyển sang mở rộng cơ sở thu thuế nội địa là phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề đặt ra là chính sách thuế phải bao quát tất cả nguồn thu, nâng cao vai trò điều tiết, rà soát lại các loại thuế đang áp dụng đối với từng lĩnh vực cụ thể để đảm bảo thu công bằng, thu nhiều hơn đối với những nhóm ngành nhiều lợi nhuận nhưng lại đóng góp thuế chưa tương xứng, như TMĐT là thí dụ điển hình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), cho biết nhiều DN nước ngoài như TikTok, Google, Bloomberg, Facebook... đã cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam theo phương thức xuyên biên giới có phát sinh thu nhập tại Việt Nam.
Trước kia các DN này đẩy hết nghĩa vụ thuế cho phía Việt Nam, nên chưa thu được thuế từ các giao dịch giữa DN xuyên biên giới với khách hàng là người dùng cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. 
Những năm trước, bình quân mỗi năm cơ quan thuế chỉ thu được hơn 1.000 tỷ đồng từ các hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Song lượng thuế thu được từ các DN này sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi đã có cơ chế mới, công cụ thu thuế đã hoàn thiện và thị trường TMĐT ở Việt Nam được đánh giá tăng trưởng mạnh. Đây sẽ là khoản bù đắp đáng kể cho NSNN. 
 Hồi đầu năm nay, cơ quan thuế đã thu được khoảng 5.000 tỷ đồng từ các hoạt động TMĐT, bao gồm cả xuyên biên giới. Như vậy, sau hàng chục năm kể từ khi các tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đã hoạt động kinh doanh vững chắc ở Việt Nam như Google, Facebook…, lần đầu tiên cơ quan thuế mới có thể thu được tiền thuế

Các tin khác