Chiều 26-4, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh một mặt khẳng định những thành tựu nổi bật trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua, mặt khác, thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế cần khắc phục và giải pháp của Chính phủ thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam vừa kết thúc Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, đồng thời vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió.
Mặc dù vậy, năm 2020 vẫn là năm thành công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 với mức tăng trưởng dương 2,91, giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới - tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Từ năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, cộng quá trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế đã tạo ra 3 làn sóng đầu tư FDI (làn sóng thứ nhất trong những năm 1990-1992; làn sóng thứ hai vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết và làn sóng thứ 3 với số lượng FDI thực sự bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế).
Tính đến tháng 12-2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đặc biệt - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh – chỉ riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện đã tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn chồng chất, nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thủ tướng, đây chính là lá phiếu ủng hộ Chính phủ, bộ ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng.
Mặc dù vậy, hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Cùng với đó là vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
"Những tồn tại, hạn chế này đã được nhận diện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề.
Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.
Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ... để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch.
Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.
Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng. Từ đó, giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu…
Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, đại diện các quốc gia tại Việt Nam; đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; cùng hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.