Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (từ cuối tháng 4-2021 đến nay), đã khiến các DN bị sụt giảm từ 50 - 90% doanh thu so với trước, nhiều DN đã phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Để vượt qua khó khăn, nhiều DN đã chuyển đổi số (CĐS) nhằm tối hóa hoạt động quản trị DN, bán hàng...
Tuy nhiên, họ lại gặp phải những thách thức không nhỏ về thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để CĐS; thiếu thiếu kỹ năng và tư duy về kỹ thuật số, thách thức về văn hóa chuyển đổi số trong DN; khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, VCCI đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc định hướng, tiếp cận khung CĐS, tìm ra những giải pháp phù hợp nhất để ứng dụng công nghệ vào CĐS nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với bối cảnh mới, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững.
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ DNNVV của Bộ KH-ĐT cũng cho biết, hiện đơn vị này đang nghiên cứu để trình Chính phủ lồng nghép các chương trình hỗ trợ DN về các giải pháp thực hiện CĐS, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2022.
Đại diện Bộ KH-ĐT cũng cho rằng CĐS với các DNNVV, cần theo lộ trình với những giải pháp phù hợp ở từng cấp độ, từ số hóa dữ liệu (văn bản, giấy tờ…), tới ứng dụng các phần mềm vào quản lý nội bộ, tiến tới CĐS trở thành một DN số có thể thực hiện điều hành, quản trị DN, tổ chức kinh doanh… hoàn toàn số hóa.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng các DNNVV vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện CĐS.
Theo khảo sát về thực trạng CĐS trong doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 của VCCI, số lượng doanh nghiệp so với thời điểm trước Covid-19 ứng dụng các công cụ CĐS tăng 60,6% trong đó tập trung vào các giải pháp làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, tiếp thị trực tuyến. Tuy nhiên, các DNNVV đang phải đối mặt với rào cản trong quá trình chuyển đổi số đó là thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh (60,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số (>70%).
Đề cập đến vấn đề trên, TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho rằng, điều quan trọng trong CĐS là các thành phần trong doanh nghiệp phải cùng thống nhất về cách hiểu về chuyển đổi số và tầm nhìn về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, các DNVVN cần phải có một khung chuyển đối số theo hướng tinh gọn, linh hoạt dựa trên khung CĐS chung. Lộ trình chuyển đổi sẽ tương ứng với những nhu cầu và quy mô tổ chức khác nhau, kết quả đầu ra của quá trình CĐS tại doanh nghiệp.