Chiều 30-6, quận Bình Tân đã có thông báo về việc thống nhất tạm dừng hoạt động các chợ truyền thống trên địa bàn quận trong thời gian 2 tuần, bắt đầu từ 0h hôm nay, ngày 1-7 đến 24h ngày 14-7.
Theo đó, ngoài các chợ tạm, chợ tự phát đã đóng cửa theo Chỉ thị 10 của thành phố, tất cả chợ truyền thống trên địa bàn quận phải tạm ngưng động kinh doanh. Riêng các siêu thị và cửa hàng tiện ích vẫn hoạt động.
Chủ tịch UBND 10 phường khẩn trương rà soát, thông báo tạm ngưng mọi hoạt động kinh doanh tại các tuyến đường trên địa bàn không đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 10 trong 2 tuần.
Riêng các tuyến đường đảm bảo quy định phòng chống dịch, quận tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.
Quận Bình Tân là địa phương có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất TPHCM, với hơn 710 ca nhiễm tính đến 30-6. Nhiều chuỗi lay nhiễm tập trung tại địa bàn này như cụm chung cư Ehome3, công ty Trung Sơn (KCN Tân Tạo), công ty Lạc Tỷ, chợ khu phố 2 An Lạc...
Tại chuỗi lay nhiễm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vừa phát hiện ngày 30-6, một người nuôi bệnh ở quận Bình Tân mắc Covid-19 đã lây lan sang 24 người khác là thân nhân và bệnh nhân. Hiện bệnh viện phải tạm phong toả khu vực điều trị nội trú bệnh lao, để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác.
Theo Sở Công thương TPHCM, toàn thành phố đã có khoảng 70 chợ truyền thống phải đóng cửa do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19, không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch.
Danh sách các chợ đang tạm đóng cửa để thực hiện các biện pháp dập dịch có chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Hòa Hưng, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Dân Sinh, chợ Thái Bình (quận 1), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Tam Bình, Tam Bình (TP Thủ Đức), chợ đầu mối Hóc Môn, một phần chợ đầu mối Bình Điền, một phần chợ Bà Chiểu…
Tại các chợ truyền thống đang hoạt động, chỉ có tiểu thương ngành hàng thực phẩm, hàng thiết yếu, ăn uống tại chợ được kinh doanh, tận dụng không gian của các sạp nghỉ để giãn cách. Các gian hàng không thiết yếu phải tạm dừng.