Châu Âu: bài học chủ quan
Sau hơn 100 ngày đại dịch Covid-19, tâm điểm của dịch đã chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu. Điều đáng nói, tốc độ lây nhiễm và tử vong bởi Covid-19 tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Italia và Tây Ban Nha, rất cao. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại dẫn đến tình trạng này.
Tôi đã từng sống ở châu Âu nên phần nào hiểu điều này. Xưa nay dân châu Âu rất tự hào về hệ thống y tế hiện đại có kỹ thuật tiên tiến và hệ thống an sinh xã hội của họ có thể đối phó được mọi tình huống xảy ra.
Còn người dân châu Âu luôn có suy nghĩ dịch bệnh rất khó xuất hiện ở xứ họ vì ở đây quá văn minh, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, thực phẩm chất lượng cao. Chỉ ở các nước nghèo nàn, lạc hậu có trình độ y tế thấp kém, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh sẽ bùng phát ở các khu ổ chuột, khu cư trú dọc kênh rạch, các chợ búa và nơi dân cư sống gần trang trại nuôi gia súc.
Do nhận thức như thế, từ lãnh đạo quốc gia, tỉnh thành, địa phương và người dân rất chủ quan và coi thường dịch bệnh. Thậm chí khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan qua, chính phủ các nước khối Schengen hầu như không có động thái nào ứng phó.
Những giải pháp hạn chế khách du lịch, hạn chế người tập trung đông, mang khẩu trang, xịt khuẩn môi trường, cách ly người nhiễm bệnh hầu như không được tính đến, thậm chí ai mang khẩu trang là bị kỳ thị. Một trong số các lý do chính phủ các nước này và nước Anh không muốn áp dụng các biện pháp mạnh vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế, nhất là làn sóng du lịch được coi là nguồn lợi chính cho họ.
Sự chủ quan và coi thường dịch bệnh đã đẩy cả khối Schengen vào tình thế bị động, chống đỡ không kịp. Chính phủ đã chậm trễ, trong khi người dân cho rằng họ đã đóng đủ thuế nên việc lo dịch vụ, trong đó có việc chống dịch, là chuyện của chính phủ.
Hầu như các nước châu Âu không có chuyện huy động toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân chống dịch như ở ta, không có chuyện các cộng đồng đứng ra cùng chính phủ huy động tối đa mọi nguồn lực cho mục tiêu là dập dịch. Mãi đến ngày 16-3 khi dịch bùng phát được hơn 2 tháng, số ca nhiễm và tử vong lên tăng từng ngày, châu Âu mới chính thức vào cuộc ở cấp liên minh và ở từng quốc gia.
Việt Nam: Chủ động và bình tĩnh ứng phó
Việt Nam: Chủ động và bình tĩnh ứng phó
Việt Nam cũng đang nằm trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19. Nhưng so với các nước khác, cho đến lúc này bệnh dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát và hậu quả được khắc chế ở mức thấp nhất.
Điều quan trọng nhất, ngay từ khi dịch mới phát khởi ở Vũ Hán, Chính phủ đã khẳng định quan điểm phải phòng ngừa ngay trên tinh thần không chủ quan, toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến người dân, toàn bộ lực lượng từ quân đội, công an, dân phòng, các tổ chức chính trị -xã hội, cơ quan truyền thông được huy động tối đa theo chủ trương “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận “hy sinh lợi ích kinh tế để đổi lấy sự an toàn cho người dân”.
Chính vì nhận thức đúng ngay từ giai đoạn cả nước mới có 16 ca nhiễm, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được tình thế, tính toán đúng các diễn tiến của dịch để đề ra các giải pháp thích hợp. Dù đến thời điểm này số ca nhiễm đã lên hơn 170 nhưng Chính phủ và nhân dân vẫn bình tĩnh và chủ động đương đầu với mọi tình huống, cả khi xấu nhất xảy ra.
Những ngày đại dịch Covid-19 này, người ta đã chứng kiến rất nhiều điều có ý nghĩa cộng đồng mang lại. Trong khó khăn, giá trị cộng đồng được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Đó là việc chia xẻ cảm xúc xã hội, truyền tải thông tin, hỗ trợ vật chất và đoàn kết thống nhất ý chí cùng nhìn về một hướng. Trong lịch sử, chưa khi nào có chuyện một xã với hơn 10.000 dân hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài, trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” hơn 20 ngày.
Với tinh thần đó, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện cách ly thành công. Kết quả này có công lao rất lớn của cộng đồng dòng họ, làng xã. Họ đã cùng nắm tay nhau đi qua những ngày khốn khó.
Ở quy mô toàn quốc, sau hơn 100 ngày chống dịch, nhiều đơn vị hành chính cấp phường, xã, và chung cư ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TPHCM đã nghiêm túc thực hiện việc cách ly. Các thành viên trong nội cộng đồng và ngoại cộng đồng không chỉ chia xẻ với nhau khẩu trang, nước sát khuẩn, gói mì tôm, chục trứng gà, còn luôn động viên tinh thần cho nhau, thông báo cho nhau hàng ngày hàng giờ về diễn biến dịch bệnh, về các thông báo mới của Chính phủ và các phương pháp cách thức phòng dịch.
Ngoài cộng đồng cư trú theo địa bàn hành chính, còn có những cộng đồng quy ước cũng có những đóng góp tích cực cho việc chống dịch.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại. Trong những ngày qua hoạt động của cộng đồng liên quan đến dịch Covid cũng có những lỗ hổng chết người. Trước tiên phải kể đến một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng làm rối tình hình khi tung tin giả, tin thất thiệt lên không gian mạng.
Sau nữa là một số nhỏ trong cộng đồng dân cư có hành vi không đúng chuẩn mực, thậm chí quá khích. Nhiều người đồng lõa với hành vi gian dối, khai báo không trung thực, trốn tránh cách ly, khiến việc lây nhiễm diễn ra nhanh trên quy mộ rộng, điển hình như 2 bệnh nhân số 17 và 34.
Trong lúc hoạn nạn mới thấy sáng lên tinh thần cộng đồng, những tấm gương xả thân của các chiến sĩ bộ đội, công an, dân phòng. Và ở một phía khác cho thấy sự ích kỷ của một bộ phận không nhỏ cá nhân có thái độ không đúng mực khi được cách ly, có những phát ngôn, hành động thiếu văn hóa, ích kỷ không xứng đáng với sự cưu mang của Tổ quốc và đồng bào.
Dịch rồi sẽ qua đi nhưng sẽ còn rất nhiều điều vui buồn đọng lại, còn nhiều bài học kinh nghiệm phải rút ra. Bởi trong thế giới phẳng và thời đại biến đổi khôn lường này, những rủi ro mang tầm quốc tế sẽ còn xảy ra.