Hợp tác nâng giá trị trái xoài

(ĐTTCO)-Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất nước với gần 9.000ha, sản lượng 90.000 tấn/năm, đặc biệt sở hữu 2 giống xoài ngon là cát Chu và cát Cao Lãnh.
Hợp tác nâng giá trị trái xoài
Ông NGUYỄN VĂN CÔNG, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp:

Hợp tác nâng giá trị trái xoài

Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất nước với gần 9.000ha, sản lượng 90.000 tấn/năm, đặc biệt sở hữu 2 giống xoài ngon là cát Chu và cát Cao Lãnh. Thời gian qua tỉnh đã thành lập 2 hợp tác xã xoài và 29 tổ hợp tác chuyên sản xuất xoài nhằm đưa nông dân vào làm ăn bài bản. Để tránh tình trạng “tới mùa, rớt giá” tỉnh khuyến cáo nông dân thực hiện rải vụ thành công với diện tích khoảng 416ha, nhờ đó xoài Đồng Tháp có quanh năm, đảm bảo thực hiện các hợp đồng tiêu thụ, đồng thời xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Newzealand... Lợi nhuận của người trồng xoài đạt trung bình 135 triệu đồng/ha, cao hơn trước đây 30 triệu đồng/ha.
Qua 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp trong cả nước và nhiều nước trên thế giới. Nhiều DN trong và ngoài nước đang đàm phán để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ xoài, xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất xoài tươi và xoài chế biến, như Công ty InJae của Hàn Quốc; các công ty Long Uyên, Thuận Phong, Good Life, Việt Đức…
Hàng năm các công ty này cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 tấn xoài tươi và xoài chế biến với lợi nhuận ổn định. Đạt được hiệu quả trên nhờ quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, phát huy được lợi thế hợp tác giữa DN và nông dân từ khâu sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu, nhờ đó nâng giá trị trái xoài, đảm bảo lợi ích các bên tham gia. 
Có thể nói, Đồng Tháp là tỉnh có lợi thế lớn về cây ăn quả, trong điều kiện biến đổi khí hậu, điều này càng được khẳng định. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là giống cây ăn quả đang là thách thức lớn. Kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ có chủ trương bố trí vốn tài trợ từ các chế định tài chính nước ngoài hoặc vốn từ ngân sách để thực hiện dự án nghiên cứu sâu về cây ăn quả (quy trình sản xuất, chế biến, lai tạo giống thích ứng với biến đổi khí hậu...), không chỉ riêng cho Đồng Tháp mà cho cả vùng ĐBSCL, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng, giúp cây ăn trái phát triển bền vững.
Ông LÊ VĂN HOÀNG, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An:

Thanh long giúp nông dân làm giàu

Lâu nay, thanh long là cây chủ lực của tỉnh, góp phần giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Hiện toàn tỉnh có khoảng 7.442ha thanh long, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm hơn 50%. Diện tích thanh long đang cho trái 5.064ha, năng suất bình quân 312 tấn/ha, sản lượng hơn 157.945 tấn. Phần lớn thanh long của nông dân được thương lái, cơ sở kinh doanh, DN thu mua, vận chuyển bán cho thương nhân Trung Quốc khoảng 80% sản lượng, các thị trường khác khoảng 5%, tiêu thụ nội địa 15%.
Giá thanh long dao động ở mức cao, thanh long ruột trắng 8.000-15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 15.000-25.000 đồng/kg. Mức giá này nhà vườn có lợi nhuận 200-400 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 92 cơ sở thu mua thanh long (5 hợp tác xã, 7 DN và 80 cơ sở kinh doanh). Ngoài ra, còn có 40 cơ sở đóng gói có kho lạnh bảo quản. 
Cái khó hiện nay là phần lớn diện tích thanh long chuyển đổi từ đất lúa nên chưa được đầu tư hoàn thiện về hệ thống điện, thủy lợi; tình trạng dịch bệnh trên thanh long còn xảy ra thường xuyên; việc tiêu thụ chủ yếu dạng tươi do cơ sở chế biến chưa nhiều. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, nên nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất thanh long khi thị trường này bị ách tắc, trong khi mở rộng thị trường khác còn hạn chế.
Tới đây, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long. Đẩy mạnh thông tin về thị trường thường xuyên để nông dân và DN nắm bắt, điều chỉnh sản xuất, thời vụ phù hợp; đầu tư mạnh hơn về khoa học vào sản xuất, nâng chất lượng thanh long; có chính sách hỗ trợ công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch…
Ông ĐINH CAO KHUÊ, TGĐCTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao:

Quy hoạch tốt vùng nguyên liệu

Sản xuất rau quả nước ta vẫn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều, không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn. Việc bố trí mùa vụ cũng không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi, gây khủng hoảng thừa hoặc thiếu nguyên liệu cục bộ. Vì vậy, vấn đề quan trọng là cần quan tâm đầu tư cho quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ tốt nhu cầu chế biến rau quả số lượng lớn, ổn định, lâu dài.
Qua thực tế nghiên cứu một số nơi cho thấy còn nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây khác. Điển hình như vùng Tây nguyên có thể quy hoạch phát triển nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô rau… Các tỉnh ĐBSCL ở những nơi bị nhiễm phèn như một số huyện của Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang rất thích hợp để phát triển cây dứa (khóm)… 
Đối với công nghiệp chế biến rau quả, trước đây Nhà nước đầu tư một số trung tâm chế biến rau quả tập trung, nhưng nhiều DN hoạt động không hiệu quả, chỉ một số DN đổi mới, mở rộng quy mô tạo được chỗ đứng trên thị trường. Nhìn chung, các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ chậm.
Vì vậy, cần cơ chế hỗ trợ để DN phát triển, thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, tập trung kiểm soát tốt đầu vào cả về số lượng và chất lượng, từ đó gia tăng xuất khẩu với số lượng gấp 5-10 lần hiện nay. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả nước ta, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… là những thị trường rất tiềm năng, có nhu cầu lớn và đang có xu hướng nhập khẩu các loại rau quả của Việt Nam. 
Tới đây, việc đầu tư xây dựng nhà máy, trung tâm chế biến rau quả cần sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại và phải đồng bộ cả chế biến đồ hộp, chế biến nước quả, nước quả cô đặc, chế biến đông lạnh và sấy khô. Khi đầu tư đồng bộ mới có được sự hỗ trợ hiệu quả từ các dây chuyền sản xuất với nhau, đa dạng hóa được sản phẩm sản xuất và có cơ hội chế biến được nhiều loại nguyên liệu.
Nhà nước nên nghiên cứu, hỗ trợ các chính sách khuyến nông thông qua DN sản xuất và kinh doanh nông sản. Bởi DN bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu phải tính toán hoạt động hiệu quả. Do đó, hỗ trợ khuyến nông thông qua DN sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và thúc đẩy sản xuất cao hơn nhằm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.  

Các tin khác