Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi các Bộ ngành trung ương, đề nghị đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị”.
Theo HoREA, công cuộc chỉnh trang đô thị cần nguồn lực xã hội hóa rất lớn, một trong những nguồn lực là thông qua hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT). Tuy nhiên phương thức này thời gian qua đã có một số nhược điểm, gây thất thoát tài sản nhà nước, nên đã phải dừng từ ngày 1-1-2021.
Hiệp hội này kiến nghị chỉ “dừng triển khai dự án mới loại hợp đồng BT” từ ngày 1-1-2021 trong một thời gian nhất định, không nên bãi bỏ hẳn phương thức đầu tư này.
HoREA cho rằng Luật PPP quyết định “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” kể từ ngày 1-1-2021 là rất cần thiết. Do việc thực hiện các dự án BT trong thời gian trước đây có nhiều “lỗ hổng, bất cập”, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nhất là đất công, trụ sở làm việc và làm thất thu ngân sách.
Nhưng "phương thức đầu tư dự án theo hình thức BT không có lỗi, mà lỗi là do các quy định pháp luật và cơ chế chính sách chưa chặt chẽ, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và những yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện", kiến nghị của HoREA nêu.
HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 101 Luật PPP, theo hướng chỉ “dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” đến khoảng năm 2023, để xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, nhằm để bịt kín các “lỗ hổng, bất cập”. Vì phương thức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT là rất cần thiết, để thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư.
Cũng theo HoREA, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT cũng là một phương thức để thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư rất cần thiết, và dự án BT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PPP.
Trên thế giới, dự án BT được thực hiện chủ yếu theo phương thức nhà đầu tư thực hiện xong công trình BT thì được Nhà nước nhận sản phẩm, thanh toán bằng tiền theo hợp đồng BT, kiểu “mua sắm tài sản công”, dù công trình BT (như cầu, đường, kết cấu hạ tầng) thường có giá trị rất lớn, nhưng cũng là sản phẩm hàng hoá.
Nhưng ở nước ta, dự án BT bị “biến tướng”, do trước đây Nhà nước cho phép thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, để nhà đầu tư thực hiện “dự án khác” đạt lợi nhuận rất lớn, thậm chí là “siêu lợi nhuận”. Điều này dẫn đến Nhà nước bị thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách, trong khi quỹ đất, trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước đều là “đất sạch” hoàn toàn đủ điều kiện để đưa ra đấu giá.
HoREA cho rằng nếu các quỹ đất sạch đem đấu giá công khai thì Nhà nước thu được giá trị theo đúng giá thị trường, vừa có nguồn vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, vừa kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, vừa loại trừ cơ chế “xin-cho, sân sau, tham nhũng tiêu cực”.
"Trên cơ sở kinh nghiệm đã thực hiện các dự án chỉnh trang kênh rạch trước đây, cần xây dựng hoàn thiện khung pháp luật, cơ chế chính sách, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT, để huy động nhiều nguồn vốn đầu tư", HoREA đề xuất.