Huawei 'giãy giụa' trước đòn tấn công của Mỹ

(ĐTTCO) - Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022, cho thấy lợi nhuận giảm gần 70% do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Huawei 'giãy giụa' trước đòn tấn công của Mỹ

Theo đó, năm 2022 Huawei ghi nhận mức lợi nhuận ròng 35,6 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 5,2 tỷ USD), giảm 68,7% so với cùng kỳ 2021.

Mảng chip rơi vào tình cảnh nguy cấp

Sau hơn 3 năm hứng chịu lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, thị phần cung ứng chip xử lý cho smartphone của Huawei HiSilicon trong quý III-2022 chạm mức 0%, do lượng chip xử lý tự thiết kế cho smartphone của Huawei đã cạn kiệt.

"Dựa trên dữ liệu bán hàng và kiểm tra của chúng tôi, lượng chip HiSilicon của Huawei trong kho đã hết" - đại diện Counterpoint Research cho biết.

Hiện tại, Huawei không thể nhập chip của TSMC hay Samsung do lệnh cấm từ Mỹ. Trước khi Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt, HiSilicon chiếm 16% thị phần chip trong quý II-2020 nhờ các smartphone Huawei dùng chip Kirin bán chạy. Đó cũng là lúc công ty Trung Quốc vượt qua Samsung, trở thành hãng di động lớn nhất thế giới.

Còn hiện tại, HiSilicon không còn trong danh sách 25 nhà cung cấp chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Điều đó khiến thị phần chip toàn cầu của Trung Quốc suy giảm.

Những hạn chế về nhập khẩu chip cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei. Vào tháng 9 năm ngoái, công ty này ra mắt dòng điện thoại cao cấp Mate 50 mà không có 5G.

Trong bối cảnh mảng kinh doanh smartphone gặp khó, Huawei đang cấp phép bằng sáng chế cho một số doanh nghiệp để tăng doanh thu. Đầu năm nay, công ty đã cấp phép các bằng sáng chế smartphone cho đối thủ Oppo.

Dòng smartphone Huawei Mate 50 được ra mắt vào tháng 9, không có mạng 5G. Ảnh: GSMArena.

Dòng smartphone Huawei Mate 50 được ra mắt vào tháng 9, không có mạng 5G. Ảnh: GSMArena.

Cuộc chiến du kích

Ngay trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ tác động lên lượng cung ứng chip bán dẫn - sản phẩm thiết yếu trong các thiết bị công nghệ từ điện thoại di động đến đồ điện tử gia dụng, Huawei đã tranh thủ mua gom hàng, đồng thời âm thầm xây dựng chuỗi sản xuất chip trong nước.

Tại thành phố cảng Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam, một nhà máy sản xuất chip gần như bị bỏ hoang 4 năm về trước do bị Mỹ cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại, nay đã âm thầm hoạt động trở lại.

Trong khuôn viên của của công ty sản xuất chip nhớ Fujian Jinhua Integrated Circuit Company (JHICC), các tòa nhà kính bóng bẩy trở lại, cây cối và bãi cỏ lại được cắt tỉa. Tất cả khởi động trở lại với khách hàng chính là Huawei.

Hàng loạt kỹ sư, nhân viên phòng thu mua và tài chính đến từ Huawei để giúp JHICC khởi động lại sản xuất. Họ yêu cầu nhân viên của JHICC gọi họ bằng tên tiếng Anh, thay vì tên tiếng Trung để tránh sự chú ý.

Thực tế, JHICC là một phần trong kế hoạch tự cung tự cấp mới Huawei thầm lặng xây dựng khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh cho đến trụ sở ở quê nhà Thâm Quyến.

Đơn cử, Quliang Electronics, một công ty ít tên tuổi cung cấp dịch vụ “đóng hộp chip”, đang xây dựng công xưởng thứ 2 trên mặt bằng rộng bằng 20 sân bóng đá.

Công việc của công ty có 2.700 lao động này là bỏ vi mạch vào lớp vỏ nhựa cứng giúp bảo vệ chúng khỏi bụi, độ ẩm và chống sốc. Sản phẩm này được sản xuất để cung cấp cho Huawei.

“Nếu việc trừng phạt của Mỹ giống như trận oanh tạc bằng máy bay chiến đấu tối tân nhất, những nỗ lực đáp trả của Huawei giống như kiểu chiến tranh du kích” - một giám đốc công ty có hợp tác với Huawei nói.

Các lệnh cấm của Mỹ thúc đẩy quá trình tự cung cấp chip bán dẫn của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Daniel Garcia

Các lệnh cấm của Mỹ thúc đẩy quá trình tự cung cấp chip bán dẫn của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Daniel Garcia

Liệu lượng chip nội địa có đủ cho Huawei?

Lượng cung ứng từ nhiều nguồn của Huawei vẫn thiếu hụt khá nhiều so với trước khi bị Mỹ trừng phạt. Trước năm 2020 Huawei từng cạnh tranh trực tiếp với Apple và Samsung trong việc mua hoặc đặt hàng nguồn chip bán dẫn tiên tiến nhất từ các nhà cung cấp hàng đầu như TSMC (Đài Loan) hay Sony (Nhật Bản) để dùng trong các sản phẩm điện tử của mình.

Năm 2019, Huawei từng vượt mặt Apple để trở thành hãng điện thoại thông minh có lượng hàng xuất xưởng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung. Hiện tại, Huawei vẫn là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 toàn cầu, nhờ sự thống trị ở thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Trước khi các lệnh cấm có hiệu lực, Huawei đã cố gắng gom thật nhiều hàng có sẵn từ các nhà cung cấp toàn cầu như Qualcomm, nhưng rõ ràng là không đủ.

Doanh thu của Huawei năm 2021 vẫn sụt giảm 28,6%, chỉ còn 99,88 tỷ USD, trong khi mảng kinh doanh điện thoại thông minh sụp đổ, rơi từ vị trí thứ hai năm 2019 xuống thứ 10 năm 2021.

Tồi tệ hơn, Huawei không còn được thiết kế và đặt hàng sản xuất chip ở nước ngoài nữa, trong khi đây là nguồn lực cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ.

Trong bối cảnh nghặt nghèo này, JHICC và Quliang là 2 thí dụ về tham vọng chuỗi cung ứng nội địa của Huawei. Huawei và các đối tác đang dựng nên hệ thống sản xuất chip và dây chuyền lắp ráp mới ở Bắc Kinh, Vũ Hán, Thanh Đảo và Thâm Quyến, với vốn đầu tư ước tính hơn 55,8 tỷ USD.

Huawei cũng đang ráo riết tuyển nhân tài khắp thế giới cho trung tâm nghiên cứu ở châu Âu và quê nhà. Họ không chỉ tập trung vào mỗi chuyện thiết kế, mà toàn lực xây dựng lại nguyên chuỗi cung ứng: từ sản xuất, đóng gói chip, cho đến khâu chuẩn bị nguyên liệu và thiết bị sản xuất.

Mục tiêu của Huawei rất rõ ràng: thay thế các nhà máy và nhà cung ứng nước ngoài, sản xuất đủ nguồn chip chính cho trạm viễn thông, camera an ninh và điện thoại di động, sau đó là lĩnh vực chip tự động hóa.

Hai hãng sản xuất chip nội địa hàng đầu của Trung Quốc, SMIC và YMTC, cũng không nằm ngoài xu hướng tự lực, tích cực bổ sung thiết bị và phát triển dây chuyền sản xuất để tồn tại trước các đòn hiểm của Mỹ.

Chính các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Bắc Kinh thành công trong việc đẩy mạnh hơn ngành công nghiệp bán dẫn ở nước mình.

Dù vậy, hàng nội địa chỉ đáp ứng được nhu cầu chip chất lượng từ trung bình đến thấp, chưa có lõi chip chất lượng cao. Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào công ty nước ngoài như Advanced Micro Devices và Nvidia, nhưng 2 hãng hiện đã bị cấm bán các loại chip tiên tiến nhất cho thị trường 1,4 tỷ dân. Nhiều loại chip trong 24% thị phần kể trên, dù do Trung Quốc thiết kế, thực ra vẫn được bí mật sản xuất ở nước ngoài như Đài Loan và Hàn Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục sản xuất các loại chip thế hệ cũ, đủ dùng trong sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng và các sản phẩm không cần chip tiên tiến.

“Nó giống như nếu bạn đang đói, bạn không nhất thiết phải ăn ở nhà hàng sao Michelin thượng hạng” - Brady Wang, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint ví von về hoàn cảnh thiếu hụt chip chất lượng cao của Trung Quốc.

Các tin khác