Trong bối cảnh đó, để duy trì nguồn vốn vay lãi suất thấp thời hậu dịch, các nhà băng cần được hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ Nhà nước.
Giảm lãi suất vì cần đẩy vốn
Để hỗ trợ DN và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ, như gói hỗ trợ tiền tệ 300.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ về tài khóa gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Trong đó đậm nét nhất là gói hỗ trợ về tiền tệ của các NHTM.
Cụ thể, sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời yêu cầu các TCTD tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới đối với khách hàng chịu ảnh hưởng dịch bệnh, quy mô gói tín dụng hỗ trợ đã liên tục được các NHTM bổ sung.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Theo đó, từ 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tín dụng đã nhanh chóng nâng lên 300.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, quy mô các gói hỗ trợ đã được nâng lên mức 600.000 tỷ đồng. Quy mô tín dụng hỗ trợ tăng nhưng lãi suất giảm khoảng 2%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành. Thậm chí, có NH còn mạnh tay giảm lãi vay 3-4,5% cho một số đối tượng khách hàng vay vốn.
Cũng không khó lý giải sự nhiệt tình của các NHTM trong thời gian qua. Theo số liệu của NHNN, đến giữa tháng 4, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 0,8%. Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong bối cảnh cả nước thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, đã khiến tiêu dùng và xuất khẩu giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra khó khăn, các DN chủ yếu tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. Kể cả 4 NHTM có vốn nhà nước muốn đẩy mạnh vốn vay cũng không thể cho vay được.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của một số NH cho thấy sự kém khả quan của tín dụng, như Vietcombank chỉ tăng trưởng 2,7%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,5%. Còn tại VietinBank và BIDV, dư nợ cho vay khách hàng giảm 1,25% và 1% so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ suy giảm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng ảm đạm cũng là tình trạng chung của nhiều NH khác trong quý đầu năm. Trong khi NH là đơn vị kinh doanh, đặc thù của NH là lợi nhuận phụ thuộc chủ yếu khoản chênh lệch huy động và cho vay. Nếu đầu ra bị ùn ứ, phải ôm vốn và trả lãi cho người gửi tiền. Đó là điều các nhà băng không mong muốn. Vì vậy, dồn vốn vào các gói tín dụng hỗ trợ có thể xem là giải pháp để đẩy vốn ra vào lúc này.
Cơ cấu lại lãi suất huy động
Cơ cấu lại lãi suất huy động
Khi phải giảm lãi suất cho vay để đẩy vốn, việc cơ cấu lại lãi suất huy động là điều NH buộc phải tính đến. Để hỗ trợ NH giảm chi phí đầu vào, NHNN đồng loạt giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi ngành NH vẫn chưa hạ được giá vốn huy động. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm tại quầy của các NH vẫn dao động 4,9-7,5%/năm; kỳ hạn 9-12 tháng 4,9-8%/năm; kỳ hạn 24 tháng 6,3-8,56%/năm; kỳ hạn 36 tháng 6,6-8,3%/năm.
Đáng chú ý, trên kênh tiền gửi online, NH còn phải huy động cao hơn gửi trực tiếp tại quầy để hút được tiền gửi trong mùa dịch. Cụ thể, nhiều nhà băng huy động trực tuyến các kỳ hạn 1-5 tháng ở mức chạm trần 4,75%. Ở kỳ hạn 6 tháng, người dân có thể gửi online với mức 8,21%/năm tại SCB. Chênh lệch tiền gửi online tại BIDV cao hơn so với gửi tại quầy 0,5% cho các kỳ hạn 6-11 tháng, 0,2% cho các kỳ hạn khác…
Vẫn phải duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn là điều chẳng đặng đừng, bởi huy động vốn của ngành NH các tháng qua cũng gặp khó khăn, dù tiền gửi đang được xem là kênh đầu tư an toàn giữa mùa dịch bệnh. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giảm tỷ lệ NIM (thu nhập lãi thuần/tài sản sinh lãi) của NH, do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Lợi suất tài sản giảm bởi 2 lý do. Thứ nhất, do NH giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để thúc đẩy tín dụng trong bối cảnh nhu cầu thấp.
Thứ hai, do việc miễn giảm lãi đối với các khoản nợ hiện hữu dẫn tới việc thoái thu thu nhập lãi, do đó làm giảm thu nhập từ hoạt động này. Mức độ điều chỉnh giảm của lãi suất cho vay lớn hơn lãi suất huy động, cộng với miễn giảm lãi vay sẽ tạo thêm áp lực cho NIM năm 2020. Đồng thời, việc thoái thu thu nhập lãi có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2021 do hiện nay NH được phép giãn nợ tới tối đa 12 tháng, vì thế sẽ có độ trễ trong việc hình thành nợ xấu.
Đặt trong bối cảnh như vậy, việc NH tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ DN phục hồi bằng lãi suất thấp sau khi dịch bệnh kết thúc, sẽ là bài toán khó. Vì hiện nay NH cần đẩy vốn nhưng sau dịch, NH lại trở lại nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận để đáp ứng yêu cầu của cổ đông, để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ quá hạn phát sinh do dịch bệnh.
Song song đó, NH còn phải tiếp tục mục tiêu tái cơ cấu, dù có thể lỡ hẹn trong năm nay nhưng vẫn cần nguồn lực để hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn nhất trong 1-2 năm tới. Chính vì vậy, nhiều NH công bố chấp nhận giảm lợi nhuận nhưng chắc chắn sẽ khó giảm lãi suất cho vay sâu thêm và lâu dài hơn sau khi dịch bệnh được công bố kết thúc.
Để giảm thêm lãi suất trong thời gian tới, các NH cần được tăng cường nguồn vốn giá rẻ, nhất là khi thanh khoản đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. |