Huyền ảo động Tam Thanh

(ĐTTCO) - Không chỉ được nằm trong “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”, động Tam Thanh còn là một hang động đẹp hàng đầu nước ta.

Huyền ảo động Tam Thanh

Với những nhũ đá lung linh cùng hệ thống tượng Phật, văn bia được tạc vào đá hàng trăm năm trước, động Tam Thanh luôn là địa điểm du lịch hàng đầu của du khách khi ghé thăm Lạng Sơn.

Ngôi chùa trong động

Động Tam Thanh nằm tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn và trong động là ngôi chùa Tam Thanh, di tích nằm trong quần thể danh thắng Nhị - Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Động Tam Thanh và chùa Tam Thanh đã đi vào ca dao về sự nổi tiếng qua 4 câu: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh / Ai lên xứ Lạng cùng anh / Bõ công bác mẹ sinh thành ra em”.

anh-1-4877.jpg

Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh đã có lịch sử hàng trăm năm.

Chùa Tam Thanh xa xưa vốn thờ Đạo Giáo gồm 3 vị thánh Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh nên được gọi là Tam Thanh. Sau này, vào thời nhà Lê, do Đạo Giáo suy yếu và dần mờ nhạt trong tâm thức dân chúng nên chuyển dần sang thờ Phật nhưng vẫn giữ tên gọi Tam Thanh hoặc có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, hiện nay trong chùa Tam Thanh vẫn còn lưu giữ được hệ thống văn bia khắc vào đá phong phú và có giá trị về mặt sử liệu. Tấm bia đá cổ nhất là tấm bia “Trùng tu Thanh Thiền động” được chế tác vào năm 1677, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 do Binh sứ Bắc quân đô phủ, Vũ quận công Vi Đức Thắng cho xây dựng.

Ngoài ra, chùa Tam Thanh còn lưu giữ được tấm bia bằng chữ Nôm duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Tuần phủ Thái Bình ông Đào Trọng Vận viết năm 1924. Về mặt mỹ thuật, chùa Tam Thanh còn lưu giữ được bức phù điêu Phật A-di-đà có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 được tạc trực tiếp vào vách đá trong thế đứng trong hình lá bồ đề và nằm phía trên điện tam bảo.

Lung linh sắc màu hang động

Để vào hang động, đầu tiên du khách phải leo 30 bậc đá do người xưa đục vào sườn núi tạo lối đi lên. Động Tam Thanh là một hang động lớn, tương đối sâu và có hệ thống nhũ đá phong phú. Động có một lối đi vào chính sau cổng chùa Tam Thanh.

Qua cửa động sẽ thấy ngay các ban thờ Phật cũng như một số văn bia cổ. Đi sâu vào động có một hồ nước được người dân địa phương gọi là hồ Âm Ty, đặc biệt nước hồ không bao giờ cạn, chảy suốt ngày đêm và nước mát lạnh.

anh-4-2616.jpg
Nhũ đá trong động càng thêm lung linh huyền ảo khi được lắp thêm hệ thống chiếu sáng.

Động Tam Thanh có diện tích trên 52ha, được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Trên các trần hang nhũ đá chảy xuống với những hình thù sinh động và được nhân hóa bằng các cái tên như: Tiên Ông, Sư Tử, cây Ngô đồng, Voi, đường lên Trời...

Đi qua hồ Âm Ty sẽ đến một sân khấu nhỏ khá bằng phẳng và có 2 cửa thông thiên hay con gọi là giếng trời rọi ánh sáng tự nhiên vào động tạo nên bức tranh ánh sáng sống động. Từ giữa sân khấu có đường dẫn lên lầu Vọng Thị để du khách có thể ngắm nhìn tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng trở về.

Đặc biệt, ngay tại vách đá cửa động còn lưu giữ bài thơ nổi tiếng của danh nhân Ngô Thì Sĩ về Lạng Sơn, đó là bài Vịnh Tiên Sơn có nội dung ca ngợi vẻ đẹp của đất trời thiên nhiên xứ Lạng.

Những lối đi trong động nhỏ hẹp, quanh co, có những đoạn khá tối tuy nhiên hiện nay Ban quản lý đã cho lắp hệ thống đèn màu không chỉ giúp chiếu sáng mà còn giúp các nhũ đá hiện lên với màu sắc sặc sỡ, huyền ảo hơn. Trần động chỗ cao nhất khoảng 20m và có một số hang động nhỏ như hang dơi, hang tối...

anh-9-9202.jpg
Cửa thông thiên giúp lấy ánh sáng tự nhiên vào hang động.

Lễ hội chùa Tam Thanh (15 tháng Giêng) là một lễ hội truyền thống nổi tiếng và có quy mô lớn của tỉnh Lạng Sơn thu hút hàng ngàn khách du lịch và Phật tử hàng năm. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước bài vị của danh nhân Ngô Thì Sĩ từ chùa Tam Giáo (động Nhị Thanh) sang chùa Tam Thanh (động Tam Thanh).

Kiệu rước được rước trên quãng đường khoảng 1,2km, người dân 2 bên đường sẽ chuẩn bị các món đồ dâng lễ trang trọng để tiếp đón đoàn rước đi qua.

Đến du lịch Lạng Sơn, ngoài tham quan động Tam Thanh, du khách còn có thể ghé qua những địa điểm nổi tiếng khác như chợ Đông Kinh được ví như thiên đường mua sắm, thành cổ nhà Mạc hay núi Phai Vệ, đền Mẫu Đồng Đăng, đỉnh Mẫu Sơn... đều là những địa danh thắng cảnh và có giá trị lịch sử.

Về ẩm thực, du khách không nên bỏ qua món lợn quay lá mắc mật đã làm nên thương hiệu ẩm thực xứ Lạng cũng như món khâu nhục, bánh chưng đen, ốc đá...

Các tin khác