Đưa tin trên trang của đài Al Jazeera, theo bà Michelle Bachelet, người đứng đầu về nhân quyền tại Liên hợp quốc, các cuộc tấn công dồn dập mới đây của Israel nhằm vào Dải Gaza đã khiến hơn 200 người Palestine thiệt mạng có thể cấu thành "tội ác chiến tranh" nếu chúng không thể chứng minh tính hợp pháp của mình.
Bà Michelle Bachelet tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc diễn ra vào thứ Năm ngày 27 tháng 5 năm 2021 (Chụp: Fabrice Coffrini) |
Phát biểu trên của bà Bachelet được đưa ra vào hôm thứ Năm 27/05 trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc theo yêu cầu từ phía Pakistan - thay mặt cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo - và Palestine.
Quan chức Liên Hợp Quốc cho biết bà không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các tòa nhà dân sự ở Gaza bị máy bay chiến đấu của Israel bắn trúng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Bà Bachelet công bố với diễn đàn Geneva gồm 47 thành viên: “Nếu bị phát hiện sai phạm, những cuộc tấn công này có thể cấu thành tội ác chiến tranh”. Đồng thời, bà cũng kêu gọi Hamas, lực lượng kiểm soát Gaza, hãy kiềm chế không bắn tên lửa bừa bãi vào lãnh thổ Israel.
Theo Bộ Y tế Gaza, xung đột kéo dài 11 ngày, bắt đầu từ ngày 10/5, đã giết chết ít nhất 253 người Palestine, trong đó có 66 trẻ em và làm bị thương hơn 1.900 người. Bên cạnh đó, ít nhất 12 người Israel, bao gồm 3 công nhân nước ngoài và 2 trẻ em, đã thiệt mạng tại bởi tên lửa được phóng từ Gaza của Hamas và các nhóm vũ trang khác.
“Mặc dù được cho là nhắm vào các thành viên của các nhóm vũ trang và cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng Hamas, tuy nhiên, các cuộc tấn công của quân đội Israel đã dẫn đến nhiều tổn thất, phá hủy quy mô lớn lẫn thương vong cho các đối tượng dân sự”, bà Bachelet nhấn mạnh mức độ thiệt hại tại Gaza, nơi vốn đã phải hứng chịu bao vậy cấm vận từ phía Israel suốt 14 năm qua.
Nhiều tòa nhà chính phủ, nhà dân, tổ chức nhân đạo quốc tế, cơ sở y tế cùng văn phòng truyền thông trở thành mục tiêu bị bắn phá, và Liên Hợp Quốc đã gọi Gaza là “nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới”.
Theo lời bà Bachelet: “Bất chấp tuyên bố của Israel rằng nhiều tòa nhà trong số những tòa nhà này là nơi ẩn áu của các nhóm vũ trang hoặc được sử dụng cho mục đích quân sự, chúng tôi vẫn chưa tìm ra bằng chứng chứng minh cho tuyên bố này”.
“Không riêng gì Israel, phía Palestine cũng có quyền đáp trả để bảo vệ người dân của mình”.
Trong cùng diễn biến, hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tranh luận về dự thảo nghị quyết nhằm khởi động một cuộc điều tra quốc tế rộng rãi về các vi phạm xung quanh xung đột vũ trang mới nhất ở Gaza, cũng như các vụ xâm hại nhân quyền đang diễn ra "có hệ thống" tại các vùng lãnh thổ của Palestine và bên trong Israel.
Saleh Hijazi, Phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi, hoan nghênh dự thảo nghị quyết như một biện pháp để “thiết lập một cơ chế điều tra thu thập và lưu giữ bằng chứng nhằm hợp tác với điều tra đang diễn ra của tòa án hình sự quốc tế về tình hình ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine”.
“Điều quan trọng là những động thái này có thể giải quyết việc chuyển giao vũ khí trước khi dẫn đến một lệnh cấm vũ khí toàn diện đối với quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine. Đây là một thử thách thực sự, đặc biệt đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, để thực hiện những gì họ đã giải trình cũng như không biến Israel trở thành ngoại lệ mỗi khi đề cập đến nhân quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Muna El-Kurd, một nhà hoạt động và nhà báo từ khu vực Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem bị chiếm đóng, đã phát biểu trước phiên họp của hội đồng về tình trạng người Palestine bị ép buộc rời khỏi nhà của họ.
“Chúng tôi thực sự mong các vị có thể ngăn chặn cuộc thanh trừng sắc tộc đang diễn ra ở Sheikh Jarrah và ở Palestine”.
El-Kurt tiếp tục mô tả hiện trạng những gia đình Palestine bị cưỡng bức di tản ở Sheikh Jarrah, bao gồm cả chính gia đình của cô. Một nửa ngôi nhà riêng của El-Kurd đã bị những người định cư Israel chiếm giữ kể từ năm 2009 như hệ quả sự thông đồng có hệ thống giữa chính phủ Israel cùng các tổ chức của người định cư tại địa phương.
Việc trục xuất các gia đình Palestine xảy ra ở Sheikh Jarrah đã dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng trong cộng đồng người Palestine, kéo theo sự đàn áp dữ dội từ phía Israel cùng nhiều cuộc đột kích vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi được coi là địa điểm linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo. Các phe phái Palestine ở Gaza, bao gồm cả Hamas, cho biết họ đã bắn rocket chống lại các hành động của Israel ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng.
Israel đã tiến hành tấn công quân sự sau khi lực lượng Hamas pháo kích bằng tên lửa, nhưng nước này vẫn bị chỉ trích vì đã sử dụng lực lượng không tương xứng trên lãnh thổ Palestine.
Riyad al-Maliki, Bộ trưởng Ngoại giao Chính quyền Palestine, cho biết việc cộng đồng quốc tế không quy trách nhiệm cho Israel về những tội ác của mình chỉ có tác dụng khuyến khích nước này tiếp tục thực hiện các hành vi tương tự.
“Không thể có hòa bình nếu chưa chấm dứt được sự chiếm đóng của người Israel trên đất Palestine”.