Năm 1958, chàng thiếu niên 17 tuổi Lemann được xem là tài năng trẻ của làng banh nỉ thế giới. Ông đã từng chơi tham dự các giải đấu danh giá trên thế giới như Wimbledon (1 trong 4 giải Grand Slam uy tín thế giới) và Davis Cup không chỉ trong màu áo của đội tuyển Brazil mà còn cả đội tuyển Thụy Sĩ. Thậm chí còn được xem là niềm tự hào của quần vợt Brazil khi 5 lần vô địch. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời xảy ra khi ông ghi danh học tại Trường Đại học danh tiếng nhất thế giới Havard.
Nuôi quân 3 năm, dụng 1 giờ
Lemann cũng không ngờ việc theo học tại Đại học Havard đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông, từ một vận động viên thể thao trở thành một doanh nhân đầu tư và sau này là tỷ phú đầu cơ danh tiếng trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp Havard, Lemann đến Thụy Sĩ, nơi sở hữu hệ thống ngân hàng tốt nhất thế giới, tham gia khóa huấn luyện lãnh đạo tại ngân hàng Credit Suisse. Năm 1971, ông trở về Brazil, áp dụng những kiến thức đã học tại Havard và Credit Suisse để tham gia thành lập ngân hàng Banco de Garantia và viết nên sự nghiệp của riêng mình.
Một trong những phương pháp Lemann áp dụng tại ngân hàng Banco de Garantia khiến nhân viên luôn gắn bó với tổ chức, đó là ngoài khoản thù lao cố định hàng tháng, các nhân viên còn được nhận một khoản cổ phiếu làm phần thưởng. Phương pháp này không chỉ thúc đẩy sự cống hiến của nhân viên mà còn khiến nhân viên luôn gắn bó với công ty. Trong trường hợp nhân viên ngừng làm việc, họ có thể bán lượng cổ phiếu này và có được một khoản thù lao bằng tiền mặt như là một phần thưởng cho những đóng góp của họ.
Chưa dừng lại ở đó, Lemann còn giúp các nhân viên phát triển sự nghiệp bằng cách gửi họ tham gia các khóa huấn luyện tại American Bank, ngân hàng hàng đầu của Mỹ. Chính nhờ chính sách nhân lực này, Banco de Garantia đã trở thành công ty có môi trường làm việc hiện đại nhất tại Brazil. Nhờ những chính sách của mình, Lemann đã mang về cho Banco de Garantia 2 tài năng hiếm hoi của giới tài chính Brazil là Marcel Herrmann Telles và Carlos Alberto Sicupira, sau này đều trở thành tỷ phú tại Brazil. Cả 3 đã tạo nên bộ “tam tấu” làm khuynh đảo thị trường Brazil.
Thành tích đưa Lemann lên tầm cao là việc giúp Banco de Garantia mua lại công ty nấu bia Brahma được thành lập từ năm 1888. Sau đó, ông tìm đến công ty sản xuất bia lớn nhất nước Mỹ khi đó là Budweiser để học hỏi những kinh nghiệm trong việc điều hành một nhà máy sản xuất bia, đặc biệt là cách mà họ phân phối các sản phẩm của mình đến từng siêu thị, cửa hàng, nhà hàng và quán bia.
Lemann đã trao quyền điều hành cải cách bộ máy công ty cho Telles và Sicupira, đồng thời mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ Lojas Americanas, được xem là Walmat của Brazil, để phân phối các sản phẩm của công ty tại chuỗi các siêu thị này. Những chính sách thay đổi văn hóa và cắt giảm nhân sự đã giúp Brahma có được thành quả tức thời, đạt được doanh số tăng trưởng và thu nhập tăng vọt trong 2 năm.
Sau khi giải quyết các vấn đề nội bộ, Lemann bắt đầu thực hiện hàng loạt chiến lược marketing nhằm đưa sản phẩm xuất hiện với tần suất cao trên thị trường. Ông đã mời những người nổi tiếng và có ảnh hưởng trong xã hội quảng cáo cho thương hiệu của Brahma. Bên cạnh đó, Lemann còn tài trợ cho các giải giao hữu trước vòng chung kết World Cup 1994 tại Mỹ, đưa tên tuổi của Brahma đến gần hơn với công chúng.
Chưa dừng lại ở đó, Lemann còn thực hiện hoạt động bán hàng tại những địa điểm tiềm năng như nhà hàng, quán rượu… để chào mời khách hàng cũng như các nhà phân phối. Việc này khiến chi phí bán hàng gia tăng 20-30%, nhưng ngược lại Brahma chiếm được ưu thế cạnh tranh, họ đã khiến đối thủ mất đến 22% thị phần.
Không lâu sau đó, Lemann đã chi tiền mua lại toàn bộ Antartica để tạo nên Ambev vào năm 1999, tiếp tục cuộc “viễn chinh” thâu tóm thêm hãng bia InBev (Bỉ) với giá 52 tỷ USD để trở thành AmBev IB sở hữu những thương hiệu xuyên lục địa như Budweiser, Corona, Beck’s, độc bá ngành công nghiệp bia trên toàn cầu. Dưới sự dẫn dắt của Lemann, cổ phiếu công ty tăng hơn 40% chỉ sau 1 năm.
Chiến thuật “Good cop/Bad cop”
Chiến thuật “Good cop/Bad cop”
Chính nhờ thương vụ sáp nhập hãng bia Mỹ lừng danh, Lemann đã kết giao cùng với tỷ phú tài chính hàng đầu Phố Wall là Warren Buffett. Lemann và Warren Buffett với phong cách đầu tư tương đồng đã cùng tạo nên những thương vụ sáp nhập đình đám.
Năm 2013, công ty thực phẩm lâu đời của Mỹ Heinz rơi vào nợ nần do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 và việc bị tẩy chay tại Anh vì một đoạn quảng cáo phản cảm. Giá cổ phiếu công ty trượt dốc và doanh thu không như mong đợi, Heinz buộc phải tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực mạnh.
Lemann đã đề nghị hợp tác cùng tỷ phú Warren Buffett cùng nhau chia sẻ thương vụ lớn nhất ngành công nghiệp thực phẩm nước Mỹ. Warren Buffett, ông chủ của quỹ đầu tư Berkshire Hathaway đã đến gặp gỡ CEO của Heinz đưa ra một đề nghị sở hữu 50% cổ phần của công ty. Cùng lúc đó, Lemann cũng tiếp cận CEO của Heinz với tư cách là đối tác vì là khách hàng lớn nhất của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King.
Khi tiếp cận với Heinz, cả 2 vị tỷ phú đã sử dụng chiến thuật tâm lý kinh điển “Good cop/Bad cop” (cảnh sát tốt/xấu), được áp dụng phổ biến trong các cuộc đấu trí với tội phạm, nhằm đạt được thành công trong đàm phán. Lemann tiếp cận CEO Heinz với việc “phủ đầu” bằng các phản hồi tiêu cực đối với công ty, và đe dọa thâu tóm tạo ra tâm lý lo sợ và hoảng loạn cho phía Heinz.
Lemann đóng vai xấu (bad cop) để “dọn đường” cho sự xuất hiện đầy hợp lý của Warren Buffett trong vai một nhà đầu tư rộng lượng, gần gũi và an toàn (good cop). Chiến thuật của 2 nhà tỷ phú lão luyện đã đưa thương vụ mua công ty Heinz nhanh chóng hạ màn với giá trị 23 tỷ USD, giá mỗi cổ phiếu được nâng lên 72,5USD so với giá 12USD trước đây. Đây là thương vụ thâu tóm lớn thứ 4 trong lĩnh vực thực phẩm-đồ uống (F&B) trên thế giới.
Mới đây nhất là thương vụ Unilever. Dưới sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư 3G Capital do Lemann quản lý cùng tỷ phú Warren Buffett, Kraft đã không ngần ngại đưa ra lời đề nghị mua lại Unilever với mức giá 143 tỷ USD. Đây được cho là giây phút đáng sợ đối với Unilever khi trên bờ vực bị “nuốt chửng”. Dù rút lại lời đề nghị mua chỉ 48 tiếng sau đó, hành động này chứng tỏ tiềm lực không hề nhỏ của 3G Capital.
Jorge Paulo Lemann sinh năm 1939 tại Brazil. Năm 2019, Lemann được xếp hạng 37 người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes, với ước tính tài sản ròng 24,6 tỷ USD. |