Chỉ còn hơn 2 tháng nữa kết thúc năm tài chính 2011, cuộc chạy đua hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cuối năm ở hệ thống NHTM đang diễn ra khiến các NHTM nhỏ ngày càng đuối sức, trong khi các NHTM lớn được đà tăng tốc. Đặc biệt, trong đó mảng kinh doanh ngoại tệ đang là cơ hội săn lợi nhuận béo bở.
Nhỏ thất thế
Lãi suất cho vay được nhiều NHTM tuyên bố đã kéo giảm bình quân chỉ còn 17-19%/năm dành cho doanh nghiệp - đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn vào cuối năm. Nhưng đến nay nhiều NHTM cho biết tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra chậm, khó có thể tăng tốc lợi nhuận từ mảng này.
Một lãnh đạo NH cổ phần nhỏ thừa nhận mặc dù NHNN đã hỗ trợ thanh khoản, nhưng dòng vốn huy động vẫn tiếp tục sụt giảm trong khi thị trường liên NH chưa thực sự ổn định, nên NH ông chưa thể tăng tốc tín dụng.
Số liệu của NHNN cho thấy đến cuối tháng 9-2011, tín dụng của nền kinh tế giảm 0,94% so với cuối tháng trước, trong đó cho vay VNĐ giảm 0,49%, cho vay ngoại tệ giảm 2,27%. Khi cửa tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân là “cần câu” chính kiếm lợi nhuận chưa rộng mở, các NHTM lớn bắt đầu tận dụng cho vay trên thị trường liên NH để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên các NH lớn cũng chọn đối tượng cho vay chứ không cho vay đại trà. Và người “lãnh đạn” là các NH nhỏ.
Hiện đa phần các NH chỉ ưu tiên tín dụng cho khách hàng cũ với những cam kết giải ngân trước đó, chứ chưa thể mở rộng phát triển tín dụng khách hàng mới. Bởi trong bối cảnh lãi suất vay cao, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện an toàn để cho vay, NH buộc phải thận trọng để tránh rủi ro nợ xấu gia tăng. Ông TRẦN PHƯƠNG BÌNH, |
Trong bối cảnh trên, kênh lợi nhuận được kỳ vọng nhiều hiện nay là mảng kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, theo Th.S Phan Thanh Hải, chuyên gia ngoại hối, ở mảng kinh doanh ngoại hối NH nhỏ lại càng không có lợi thế vì đang phải lo chạy thanh khoản tiền đồng, không có nhiều vốn để đầu cơ găm giữ ngoại tệ.
Nhiều NHTM nhỏ bán âm quá mức trạng thái được phép để giải quyết thanh khoản tiền đồng nên nguồn USD đã cạn. Vay mượn USD trên thị trường liên NH cũng khó và lãi suất cao hơn, trong khi huy động USD từ dân cư sụt giảm vì áp trần lãi suất quá thấp.
“Nhiều NHTM nhỏ dự đoán giá USD sẽ tăng nhưng do chi phí lãi suất vay tiền đồng quá cao nên không dám lao vào” - ông Hải nói.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm nhiều NHTM lớn đã tận dụng uy tín vay nợ ngoại tệ nước ngoài ngắn hạn với lãi suất rẻ, chuyển đổi sang tiền đồng cho vay lãi suất cao 22-24%/năm, sau đó mua ngoại tệ của doanh nghiệp xuất khẩu để trả nợ nước ngoài.
Kiểu kinh doanh “ứng trước” này đang được các NHTM lớn phát huy trong những tháng cuối năm, dù NHNN cho biết sẽ giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM xuống dưới 30% vốn điều lệ để hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào.
Lợi thế từ cơ chế
Theo một lãnh đạo NH cổ phần, trong nhóm 7 NHTM được bán vàng huy động có NH thừa thanh khoản nhưng cũng có NH yếu thanh khoản. NH thừa thanh khoản khi bán vàng lấy tiền đồng, ngoài gom mua ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, còn dùng tiền đồng để cho vay trên thị trường liên NH. Trong khi đó những NHTM yếu thanh khoản bán vàng ra lấy tiền đồng giải quyết thanh khoản nên phải chịu áp lực rủi ro tỷ giá rất lớn.
Khi hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ bị hạn chế và chuyển dần sang hoạt động mua - bán ngoại tệ, đây sẽ là cơ hội lớn cho các NHTM trong mảng kinh doanh mua bán ngoại tệ. Bởi thực tế hiện nay trên 60% doanh nghiệp có hoạt động thanh toán quốc tế và nhu cầu giao dịch ngoại tệ bằng USD. NHTM nào có vốn lớn và có nhiều khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ kiếm lợi nhuận lớn từ mảng này. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Nhiều NHTM lớn khác không kinh doanh vàng nhưng có nguồn ngoại tệ lớn từ doanh nghiệp xuất khẩu, đã “làm giá” đẩy tỷ giá giao dịch thực trên thị trường liên NH lên cao, vượt trần tỷ giá chính thức của NHNN.
Điều này thể hiện rõ trong tuần qua tỷ giá giao dịch thực giữa các NHTM trên thị trường liên NH luôn cao hơn tỷ giá tự do. Cách thức bán thông qua công ty "sân sau".
Thí dụ NH A. cần mua 100.000USD của NH B. với giá NH A. đưa ra cao hơn giá thị trường tự do, chẳng hạn 21.800 đồng/USD. Hợp đồng mua bán giữa 2 NH theo tỷ giá bình quân liên NH, phần chênh lệch sẽ thông qua công ty "sân sau" của NH B. gửi tiền cho NH A. với lãi suất thấp hơn. Hoặc cũng có thể NH B. bán cho NH A. một lượng trái phiếu chính phủ có lãi suất rẻ hơn thị trường để bù vào phần chênh lệch.
Vậy NH A. mua USD giá cao để làm gì? Đó là do khách hàng của NH A. là các doanh nghiệp nhập khẩu. Và theo một chuyên gia, để có thể bán ngoại tệ giá cao cho doanh nghiệp nhập khẩu, các NHTM lách vượt trần tỷ giá thông qua phí mở L/C, phí thanh toán quốc tế…
Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, hình thức lách luật trong kinh doanh ngoại tệ của các NHTM hiện nay tinh vi hơn, thanh tra nhiều khi cũng không phát hiện được. Điều đáng lưu ý theo quy định của NHNN, các NHTM chỉ ưu tiên bán ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nhưng các NHTM ưu tiên bán ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng vì với các doanh nghiệp này giá nào họ cũng mua.
Siết chặt quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng
NHNN vừa có Công văn 8373/NHNN-QLNH yêu cầu các NHTM được phép hoạt động ngoại hối nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là hoạt động mua bán ngoại tệ. Theo đó các tổ chức, cá nhân chủ động phát hiện và báo cáo NHNN các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát NH, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng.