Thổ Nhĩ Kỳ sắp khởi công xây dựng “Kênh đào Istanbul”
Kế hoạch xây dựng “Kênh đào Istanbul” (Istanbul Canal, Turkish: Kanal İstanbul) được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt vào hồi tháng 3 năm ngoái. Dự án hoạch định việc đào một con kênh song song với hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, có quy mô tương đương kênh đào Suez (Ai Cập) và Kênh đào Panama.
Công trình xây dựng con kênh có chiều rộng khoảng 150m và sâu 25m dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Tổng chi phí cho dự án ước tính khoảng 13 tỷ USD (năm 2019).
Hôm 31/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố thời điểm bắt đầu xây dựng kênh đào “Istanbul”, bỏ qua eo biển Bosphorus. Ông Erdogan hứa hẹn rằng, viên đá đầu tiên khởi động công trình đào con kênh mới sẽ được đặt xuống vào khoảng cuối tháng 6.
“Đương nhiên sẽ có người lo ngại về siêu dự án này. Nhưng điều đó sẽ không ngăn được chúng tôi” - ông tuyên bố và nhấn mạnh rằng, việc triển khai công trình “Kênh đào Istanbul” sẽ nâng cao tầm quan trọng chiến lược của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước và giao thương quốc tế.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn tiết lộ: “Quý vị sẽ thấy sáu cây cầu bắc qua con kênh. Hai thành phố mới sẽ được kiến thiết ở hai bên bờ của tuyến đường thủy nhân tạo, tô điểm cho diện mạo Istanbul”.
Theo chính quyền Ankara, Kênh đào Istanbul sẽ kết nối Biển Đen ở phía Bắc Istanbul với biển Marmara ở phía Nam thành phố này, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển giao thương giữa tuyến đường biển Địa Trung Hải với các nước trong Biển Đen.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, con kênh mới sẽ giảm bớt lưu lượng vận tải trên Eo biển Bosphorus, một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và ngăn ngừa các sự cố tương tự như tàu chở hàng Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez của Ai Cập.
Sáng kiến của chính quyền Erdogan đã vấp phải sự chống đối từ các nhà hoạt động và môi trường, cũng như giới quân sự; thị trưởng thành phố Istanbul và cư dân nhiều lần lên tiếng phản bác dự án.
Mặc dù chính quyền Ankara chỉ đề cập đến khía cạnh kinh tế nhưng dự án đã khiến Nga không an lòng. Chính quyền Moscow lo ngại rằng, Ankara có thể sử dụng con kênh này để tạo lợi thế với Mỹ và NATO, mặc cả gia nhập EU, gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Nga.
Kênh đào Istanbul có thể được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như một công cụ địa-chính trị |
Kênh đào Istanbul có tầm quan trọng chiến lược
Các quan chức Nga đã nhiều lần cho rằng, kênh đào mới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp chiến hạm Mỹ-NATO không tuân thủ hiệu lực của Công ước Montreux 1936, với những điều khoản hạn chế sự tiếp cận của tàu chiến nước ngoài tới Biển Đen thông qua eo biển Bosphorus.
Công ước Montreux được thông qua năm 1936 quy định duy trì quyền tự do đi lại qua eo biển cho các tàu buôn của tất cả các nước, cả trong thời bình và thời chiến. Tuy nhiên, có các quy định khác nhau về việc đi lại của tàu chiến đối với các quốc gia thuộc Biển Đen và không thuộc Biển Đen qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Công ước Montreux 1936, tàu của các quốc gia không có cửa ra Biển Đen có thể ở trong vùng nước của khu vực này không quá 21 ngày. Ngoài ra, Công ước còn quy định những hạn chế đáng kể về trọng tải của tàu.
Theo đó, tổng trọng tải của tất cả các tàu chiến không thuộc Biển Đen ở Biển Đen không được lớn hơn 30.000 tấn (hoặc 45.000 tấn trong các điều kiện đặc biệt).
Nhưng quan trọng nhất là “không quá chín tàu chiến nước ngoài, với tổng trọng tải 15.000 tấn, có thể đi qua eo biển Bosphorus bất kỳ lúc nào và không một con tàu nào nặng hơn 10.000 tấn có thể đi qua”. Do đó, các hàng không mẫu hạm và tàu đổ bộ tấn công của hải quân Mỹ không thể đi qua eo biển này để vào Biển Đen.
Việc tự đào một con kênh nhân tạo cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có một luồng đường ra-vào Biển Đen không chịu sự chi phối của công ước Công ước Montreux 1936. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu Ankara cho phép, các tàu thuyền NATO có lượng giãn nước trên 10.000 tấn có thể tự do đi qua nó để vào Biển Đen. Khi đó, các biên đội tàu đổ bộ tấn công và tàu sân bay Mỹ có thể hiện diện trong vùng biển sân sau của Nga.
Như vậy, “Kênh đào Istanbul” có liên quan mật thiết đến việc thiết lập vòng vây của Mỹ-NATO đối với Nga, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Nga. Do đó, cả Moscow lẫn Washington đều cần phải tranh thủ Ankara nhằm đạt được mục đích của mình.
Với vị thế quan trọng như vậy, dễ hiểu tại sao chính quyền Erdogan nhanh chóng thúc đẩy việc thực hiện dự án “Kênh đào Istanbul”, nhằm nhanh chóng sở hữu một đòn bẩy địa-chính trị quan trọng có thể giúp họ mặc cả được với cả Mỹ-NATO-EU và Nga.