Bên cạnh một số chính sách hiện tại là kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành cân nhắc xây dựng các chính sách giúp DN giữ được dòng vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động trước khi kiệt quệ, đổ vỡ và không thể nào khắc phục.
Cụ thể, tại Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các DN kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị quyết này theo hướng có những chính sách giúp DN giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, đồng thời duy trì việc làm cho người lao động.
Đơn cử, DN kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng, để có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự nhằm thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới.
Đặc biệt, DN phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ còn chậm; việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác còn rất khó khăn. Nguyên nhân do thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, như yêu cầu DN phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian, trong khi nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh đang rất cấp thiết.
Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể.
Bởi lẽ, quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành đang rất chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, bất kể tình hình dịch bệnh có diễn biến thế nào, trong cuộc chiến này sẽ có một bộ phận lớn DN phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường. Đó là sự sàng lọc tự nhiên và khắc nghiệt. Vì vậy, định hướng chính sách cũng cần lưu ý tập trung hỗ trợ các DN có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời. Hỗ trợ này là hỗ trợ phát triển, không phải hoạt động cứu tế cho những DN không đủ sức cạnh tranh. Hỗ trợ DN có tiềm năng không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ, mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi.
Cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng chắc chắn sẽ phải kéo dài và cam go không kém cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sự phối hợp, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương và DN sẽ quyết định thắng lợi. “Để các mũi giáp công hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao giống như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tôi đề nghị Chính phủ cho thành lập ngay ban chỉ đạo và tổ công tác hỗ trợ DN vượt qua đại dịch” - ông Lộc nói.
Nhanh một ngày DN có thể phục hồi, chậm một ngày DN có thể bị xóa sổ. Các nền kinh tế trên thế giới dù đang còn chật vật trong phòng, chống dịch bệnh và khống chế lây nhiễm, nhưng vẫn đang khẩn trương chuyển trạng thái, mở cửa lại thị trường. Chúng ta đừng để mất cơ hội khi đã đi trước trong phòng, chống dịch bệnh, nhưng có thể lại là “người đến sau” trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.