Kéo giảm chi phí logistics so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

(ĐTTCO)- Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết tại Diễn đàn Logistics TPHCM lần 1 năm 2022 (HCMC Log 2022) do Sở Công thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA) tổ chức vào 30-9.

Kéo giảm chi phí logistics so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.
Theo Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng, với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TPHCM vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước, đồng thời thành phố vừa cạnh tranh các tuyến hàng hải trọng yếu, vừa có hậu phương đất liền thuận lợi, kết nối, lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước. Vì vậy, TPHCM có thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng.
Với góc nhìn đó, TPHCM cần đầu tư kịp thời cho lĩnh vực Logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía Nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TPHCM xác định ngành Logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế TP. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành Logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế Thành phố.
Theo đó, TP đặt mục tiêu phải phát triển Logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu: (1) Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Logistics của doanh nghiệp TPHCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; (2) Tỷ trọng đóng góp của Logistics vào GRDP TPHCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; (3) Góp phần kéo giảm chi phí Logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, TP đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành Logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm Logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính phát triển ngành Logistics TP.
Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, TP cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển Logistics TP, đó là vấn đề về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đề nghị cần có sự đánh giá về thực trạng cơ sở hạ tầng logistics TP, các vấn đề về liên kết vùng trong đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước của ngành và doanh nghiệp; từ đó, đề xuất, hiến kế giúp TP các giải pháp để đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng logistics.
Đánh giá về thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành logistics TP và đề xuất giúp TP các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là cách thức để liên kết chặt chẽ hơn giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics - nơi trực tiếp sử dụng lao động; để khi học viên, sinh viên ra trường thì đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng, có thể làm việc được ngay và doanh nghiệp cũng không mất thời gian để đào tạo lại.

Các tin khác