Kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

(ĐTTCO) -Hệ thống ngân hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn, song thành công trong 5 năm qua là Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN), được khởi đầu từ TPHCM năm 2012 với sự vào cuộc của toàn ngành NH và chính quyền địa phương. 
Đến nay chương trình đã lan tỏa trên toàn quốc với nhiều hình thức để thúc đẩy tăng trường tín dụng, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển.
Hỗ trợ kịp thời
Từng gặp khó khăn do thiếu vốn, CTCP Thương mại Cơ khí Tân Thanh (quận Thủ Ðức, TPHCM) phải thu nhỏ quy mô sản xuất. Song qua chương trình kết nối NH-DN, công ty được vay vốn với lãi suất hợp lý, từng bước ổn định và phát triển. Hiện công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối trên toàn quốc, với thương hiệu Tân Thanh Container có uy tín trên thị trường, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
 Chương trình kết nối NH-DN là điểm sáng trong chỉ đạo điều hành của UBND TPHCM. Từ chỗ chỉ tập trung hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV, sau một thời gian thực hiện chương trình đã mở rộng, đưa tín dụng đến những đối tượng như hợp tác xã, tiểu thương chợ đầu mối, hộ nông dân, các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM
Tương tự, cách đây 5 năm, ông Phạm Đức Nhân, chủ hộ kinh doanh quần áo, tơ tằm tại chợ Bến Thành chỉ có 1 sạp kinh doanh. Sau khi được vay vốn thông qua chương trình kết nối NH-DN, hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển. Từ 1 sạp chợ ban đầu, nay ông đã sở hữu thêm 4 sạp, có hợp đồng trưng bày và bán các mặt hàng quần áo, tơ tằm tại các sân bay Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt.
Trường hợp nữa là Công ty TNHH Dược phẩm An Thiên, được vay vốn thông qua chương trình này để đầu tư xây dựng nhà máy dược phẩm công nghệ cao. Đến cuối năm 2015, nhà máy hoàn thành, giữa năm 2016 đi vào hoạt động, sản xuất được những mặt hàng thay thế được hàng ngoại nhập. Đến nay, sản phẩm của An Thiên đã phân phối trên 60 tỉnh, thành và xuất khẩu sang một số nước. 
Đó chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều DN, hộ kinh doanh được tiếp cận chương trình kết nối NH-DN trong hơn 5 năm qua. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ thành công của chương trình này là từ chỗ DN đi tìm NH, và sau đó là NH đi tìm DN, nay chuyển sang cả 2 tự tìm đến nhau, cùng bắt tay hợp tác. Điều này không chỉ giải quyết về nguồn vốn, mà niềm tin giữa NH và DN ngày càng được củng cố.
Hơn nữa, bên cạnh việc vay vốn mở rộng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các NH tham gia chương trình còn thể hiện vai trò “bà đỡ” khi hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp cận công nghệ, các kiến thức, kỹ năng hoạt động, nhất là trong vấn đề thương mại quốc tế. Sự hỗ trợ của NH đã giúp rất nhiều DNNVV vượt qua khó khăn, có điều kiện triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh.
Kết nối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ảnh 1 Chương trình kết nối NH-DN là mô hình thành công ở TPHCM và nay lan rộng ra cả nước. 
Sức lan tỏa lớn
Trong 5 năm qua, bình quân hàng năm TPHCM tổ chức 28-30 đợt kết nối NH-DN, từ cấp TP đến cấp quận, huyện. Theo đó, NH ký và giải ngân đúng cam kết, DN cũng sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Tính trong hơn 5 năm qua, đã có khoảng 680.000 tỷ đồng hỗ trợ hơn 120.000 DN, với hơn 316.000 lượt khách hàng vay vốn và không có nợ xấu, nợ quá hạn.
Đặc biệt, chương trình kết nối NH-DN luôn tiếp nối mục tiêu cho vay năm sau cao hơn năm trước. Với 9 đầu mối tổ chức triển khai thực hiện gồm: NHNN chi nhánh TPHCM là đầu mối thường trực, cùng với đó là Sở Công Thương, Hiệp hội DN, UBND 24 quận, huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý công viên phần mềm Quang Trung, Liên minh hợp tác xã.
Đến nay chương trình đã phủ sóng toàn TPHCM, đã tạo ra hiệu ứng tốt, sức lan tỏa rất lớn trên phạm vi cả nước, mang lại hiệu quả trên nhiều mặt.
Trên phạm vi cả nước, NHNN cũng cho biết tại thời điểm cuối năm 2016, đã có gần 700 hội nghị đối thoại giữa NH và các cấp chính quyền với DN được tổ chức tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước, tháo gỡ khó khăn cho hơn 75.000 DN với nhiều hình thức.
Tổng số tiền các NH cam kết cho vay đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, với lãi suất phổ biến ở mức 6-8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Riêng trong năm 2017, cả nước đã tổ chức thêm trên 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại kết nối NH-DN. Qua đó, các NH cam kết cho vay các DN mới thêm 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng. 
Đáng chú ý, các NH còn đổi mới và đưa ra nhiều chương trình sản phẩm hỗ trợ DN, triển khai trên 70 chương trình, trong đó có 15 chương trình áp dụng cho DNNVV. Đó là các chương trình cho vay DN đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ TPHCM; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay phát triển ngành y tế; hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM; gói tín dụng cho DNNVV, gói DN khởi nghiệp… Theo đó, chương trình kết nối NH-DN đã tạo động lực phát triển cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tăng cường hỗ trợ, đồng hành
Theo các NHTM, việc Nhà nước đứng vai trò chủ trì, dẫn dắt và bắt tay vào thực hiện để hỗ trợ và đồng hành cùng DN có ý nghĩa rất lớn, giúp NH mạnh dạn tiếp cận nhiều DNNVV, để có đầu ra cho nguồn vốn và tháo gỡ những khó khăn về vốn, thủ tục, lãi suất trong quá trình tiếp cận vốn của nhóm DN này. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, nhưng toàn ngành NH đang nỗ lực tháo gỡ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV. 
Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Phó Tổng giám đốc Sacombank, thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như NHNN trong việc đồng hành cùng DN, các hộ kinh doanh và tiểu thương nhằm tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ chung của cộng đồng DN và NH trong quá trình hội nhập. Tham gia từ năm 2012 đến nay, các NH ngày càng nhận thấy tính thiết thực và những tác động tích cực của chương trình trong tiến trình góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Đặt nhiều tâm tư vào chương trình kết nối NH-DN, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc VietinBank, chia sẻ: “Để thực hiện hiệu quả chương trình kết nối NH-DN, NH cần có kế hoạch rõ ràng. Tại VietinBank, chúng tôi đăng ký một gói tín dụng, công bố với Sở Công Thương và NHNN chi nhánh TPHCM, để giao chỉ tiêu kế hoạch cho các chi nhánh. Bên cạnh đó, chúng tôi có chế độ động viên khen thưởng rất lớn, đồng thời cũng có mức phạt nặng để tăng ý thức trách nhiệm của các chi nhánh trong việc thực hiện chương trình. Về phía các hiệp hội, tôi đề xuất Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, cần có những đánh giá và định hướng thị trường để có cơ sở DN định hướng và mở rộng kinh doanh; các hiệp hội DN cần hỗ trợ DN kỹ năng nhất định để minh bạch thông tin, tăng khả năng tiếp cận vốn NH. Đặc biệt, NHNN và NHNN chi nhánh các tỉnh thành cần làm tốt nhất vai trò định hướng, và đồng hành cùng các NHTM trong thực hiện chương trình kết nối NH-DN”.

Các tin khác