Nhưng giờ đây, các NH truyền thống và NH đầu tư ở các quốc gia lục địa già này đang trở nên điên rồ, họ trở thành những nhà đầu cơ, không còn là những NH hay người khởi nghiệp kinh doanh thuần túy.
Lehman Brothers ở Đức?
Hầu hết các quan điểm cho rằng rủi ro lớn nhất hiện nay là các NH lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như JPMorgan đang có sự hiện diện 51.900 tỷ USD trên thị trường phái sinh trị giá 550.000 tỷ USD. Nhưng như vậy là sai lầm, cái tên nguy hiểm nhất hiện nay là Deutsche Bank. Tại thời điểm cuối năm 2016, NH lớn nhất nước Đức hiện diện 54.700 tỷ USD trên thị trường phái sinh.
Danh mục chứng khoán phái sinh của Deutsche Bank gấp 20 lần GDP của quốc gia. Con số này lớn hơn 51.200 tỷ USD của Citi Bank, 43.600 tỷ USD của Goldman Sachs, và 27.800 tỷ USD của Bank of America. Đây quả thực là một rủi ro, bởi tổng tài sản của Deutsche Bank chỉ 2.000 tỷ USD, gần bằng 1/2 GDP của Đức. Điều này cho thấy NH của Đức không hề thận trọng như nhiều người nghĩ.
Xin đưa ra con số để so sánh: NH lớn nhất ở Hoa Kỳ hiện nay là Well Fargo chỉ có 6.100 tỷ USD trên thị trường phái sinh, và đó là lý do tại sao định giá chứng khoán của NH này đang ở mức cao nhất.
Khi thị trường phái sinh toàn cầu đạt đỉnh 700.000 tỷ USD vào năm 2012, chúng đã gấp 10 lần GDP toàn cầu. Mặc dù giới NH phố Wall cho rằng các chứng khoán phái sinh này là bảo hiểm và nó đã được cân bằng số lượng vị thế. Tuy nhiên, thực tế năm 2008 đã cho thấy những lời biện minh này là dối trá. Các chứng khoán tài chính có mức độ đòn bẩy cao này được sử dụng như khoản bảo hiểm, nhưng lại không có tài sản thế chấp. Vì thế, chúng không giống như các chính sách bảo hiểm trong thế giới thực. Hoàn toàn đó là nợ và không có gì cân bằng ở đây. Câu chuyện giống như Lehman Brothers và AIG vào năm 2008 - ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài suốt 5 năm 2008-2013.
Vì thế, với thực trạng trên, Deutsche Bank được ví là Lehman Brothers 2.0. Giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm tới 89% so với đỉnh năm 2008 và giảm 59% so với đỉnh cao gần nhất vào năm 2015. Nguyên nhân do những thua lỗ trong chứng khoán phái sinh đã khiến NH này công bố khoản lỗ kỷ lục 7 tỷ USD trong quý III-2015, là mức lỗ lớn nhất trong 1 thập niên qua của Deutsche Bank.
Tình hình trở nên căng thẳng khi lợi suất trái phiếu CoCo của NH này tăng vọt từ 1,87% lên 4,38% trong năm 2016, do lo ngại Deutsche Bank không còn đủ nguồn lực tài chính chống chọi với cuộc khủng hoảng từ danh mục chứng khoán phái sinh. Bên cạnh đó là những án phạt 14 tỷ USD đến từ Hoa Kỳ liên quan đến những vấn đề chứng khoán phái sinh trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Các nhà đầu tư đang hoài nghi đến khả năng Đức phải giải cứu NH này. Năm 2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xác nhận rằng Deutsche Bank là sự đe dọa lớn nhất hiện nay của hệ thống NHTM toàn cầu.
Italia quân cờ domino kế tiếp
Các NH lớn châu Âu thường giao dịch cao hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách. Nhưng bây giờ phần lớn NH lại đang có mức chiết khấu mạnh. Bức tranh thật tồi tệ khi sự khỏi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn kế tiếp, sau đó giảm đòn bẩy tài chính sẽ gây ra giảm phát. Đó là những dấu hiệu về một cuộc cuộc khủng hoảng NH ở châu Âu. |
Italia quân cờ domino kế tiếp
Deutsche Bank chỉ là kẻ tiên phong trong cuộc khủng hoảng NH tại châu Âu và Hoa Kỳ. Bởi lẽ giá trị các cổ phiếu NH ở phương Tây so với giá trị sổ sách (chỉ số P/B) đang ở mức độ rất tồi tệ.
Thông thường, cổ phiếu tốt sẽ giao dịch cao hơn so với giá trị sổ sách (càng cao hơn càng tốt), và thường cao hơn nhiều lần khi có bong bóng. Trong khi điều này lại hoàn toàn trái ngược ở các NH châu Âu hiện nay. Đây là bằng chứng cho thấy một cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại châu Âu và Hoa Kỳ, khi giá cổ phiếu của nhiều NH lớn trên toàn cầu đang sụp đổ mạnh.
Tuy nhiên, cổ phiếu Deutsche Bank đang chiết khấu 59% so với giá trị sổ sách, NH UBS của Thụy Sĩ mạnh nhất với mức giá bằng 180% giá trị sổ sách, trong khi NH Banca Carige của Italia đang gây sốc với mức giá cổ phiếu chỉ bằng 3% giá trị sổ sách. Như vậy Italia chính là Hy Lạp và Ireland tiếp theo. Số liệu năm 2015 về tỷ lệ % nợ xấu trên tổng dư nợ của quốc gia hình chiếc ủng tăng từ 8% vào năm 2010 lên tới 18%.
Con số này chỉ thua Hy Lạp với tỷ lệ nợ xấu lên đến 34% (quốc gia này gần như ở trong tình trạng phá sản, dù đã có nhiều cuộc giải cứu) và Ireland đang đứng thứ 2 với tỷ lệ 19%. Nhưng tỷ lệ này của Italia lớn hơn so với Bồ Đào Nha (khoảng 13%) và gấp hơn 2 lần so với Tây Ban Nha (khoảng 7%)
Khi các khoản nợ xấu chạm đến mức 10%, hầu hết NH về mặt kỹ thuật đã phá sản, vì thông thường họ chỉ có tỷ lệ dự trữ 10% theo quy định. Trong khi đó, Italia đã suy thoái 5 trong 8 năm gần đây và vẫn trong tình trạng suy thoái, bất chấp những gói QE và lời bảo đảm của một người Italia là Chủ tịch NH Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi. Quốc gia này lại đang có tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp nhất trong các nước lớn ở châu Âu, mức thuế cao, tệ quan liêu…
Đặc biệt, nền kinh tế ngầm của Italia (mại dâm, ma túy và buôn lậu thuốc lá) ước tính có giá trị lên đến 200 tỷ EUR, tương đương 12% GDP của nước này, đang gây tổn hại lớn đến nguồn thu thuế của chính phủ. Như vậy, Italia là quân cờ domino kế tiếp có thể sụp đổ ở khu vực châu Âu và có vẻ điều này đã gần xảy ra, khi nhiều dự báo cho rằng Italia chính là Hy Lạp tiếp theo trong vài năm tới.
Giải pháp đối phó của ECB
Thực tế hoạt động của các NH lớn châu Âu đang góp phần đẩy nợ công các nước không ngừng tăng lên. Trong đó, tỷ lệ nợ của Italia hiện ở mức 139% GDP. Đó là mức cao nhất trong 4 quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP lớn nhất ở châu Âu và chỉ thua kém Hy Lạp. Nợ tư nhân của Italia không quá cao và tổng nợ của Italia 335% GDP. Nhưng như thế đang ở mức báo động bởi khi nước này đang trong xu hướng suy thoái, cùng với năng suất lao động và GDP trên đầu người giảm mạnh.
Giải pháp đầu tiên cho vấn đề nợ xấu (hiện ở mức 382 tỷ USD) là bán cho các nhà đầu tư tư nhân đi kèm với sự bảo đảm của chính phủ. Điều này đã diễn ra trong quý I-2016. Nhưng NH Trung ương châu Âu (ECB) vẫn xem những khoản nợ xấu này như là tài sản thế chấp cho các khoản vay đối với Italia. Theo đó, nếu như Italia không thể trả lại khoản vay này, ECB sẽ là người nắm giữ nó. Nếu điều này diễn ra, tất cả mọi người dân ở trong khu vực châu Âu sẽ bị mắc kẹt trong đống nợ nần này.
Những phân tích trên cho thấy để giải cứu các NH châu Âu, các quốc gia và ECB sẽ phải trở thành nhà đầu tư lớn và người gửi tiết kiệm lớn, thay vì để người dân gánh chịu (có thể xuất hiện giải cứu nội bộ (bail-in) như từng thực hiện với đảo Cyprus). Đồng EUR và khu vực Eurozone sẽ phải thay đổi và tái cấu trúc triệt để. Nếu không, sự sụp đổ của hệ thống NH châu Âu có thể kích hoạt ngòi nổ thứ 3 là lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu. Hiện nay, nhiều NH ở châu Âu đang cho vay nhiều nhất các dự án năng lượng.
(còn tiếp)