Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên đường Tô Ký, Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), lượng khách đến mua hàng hóa diễn ra bình thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, cá, gia vị…
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, siêu thị đã triển khai hướng dẫn người tiêu dùng khai báo y tế trước khi mua sắm. Theo đại diện Saigon Co.op, nguồn hàng tại các siêu thị (Co.opmart, Co.opXtra…) khá dồi dào, giá tốt, lưu thông thuận lợi. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021, Saigon Co.op không sợ thiếu hụt nguồn hàng.
Tính riêng tháng 6 này, Saigon Co.op đã thiết kế 2 đợt giảm giá, mỗi đợt kéo dài 2 tuần. Đợt 1 từ 3-6 đến 16-6, tập trung giảm giá mạnh các loại thực phẩm tươi sống, các loại nông sản, nhất là mặt hàng trái vải tươi của các tỉnh phía Bắc đang bán tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, với mức giá 27.900 đồng/kg; khoai lang tím giống Nhật giá 5.900 đồng/kg…
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trong thời điểm giãn cách xã hội, hệ thống siêu thị Saigon Co.op sẵn sàng hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm từ xa, giao hàng miễn phí tận nhà khá thuận lợi tùy thuộc quãng đường. “Số lượng đơn đặt mua hàng trực tuyến trong vài ngày giãn cách xã hội tăng từ 3-5 lần so với ngày bình thường, doanh thu cũng tăng đáng kể”, một lãnh đạo Saigon Co.op cho hay.
Khách mua sắm tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM
Tương tự, tại hệ thống siêu thị Satra, Central Retail… cũng có ưu đãi giao hàng miễn phí cho khách đặt mua trực tuyến, bán kính từ 8-10km (tính từ siêu thị đến địa chỉ giao hàng), với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên.
Khách hàng có thể chọn hình thức thanh toán tiền mặt, chuyển khoản hoặc quẹt thẻ; đồng thời vẫn nhận được ưu đãi như tích điểm, mua hàng khuyến mãi… “Các đơn hàng đặt mua trực tuyến tăng liên tục và siêu thị đang lần lượt trả hàng cho khách”, một nhân viên trực tổng đài của siêu thị BigC (thuộc Tập đoàn Central Retail) cho biết.
Thông tin từ hệ thống Vinmart, lượng khách đặt mua hàng trực tuyến đang tăng nhanh, gấp 1,5-2 lần so với những ngày bình thường trước khi giãn cách xã hội (ngày 31-5). Thống kê nhanh đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada cho thấy, số lượng đơn tăng cao nên những sàn này phải tăng thêm nhân viên giao hàng cho khách.
Nhân viên giao hàng nhanh cho khách
Chị Nguyễn Thủy, một nhân viên giao hàng khu vực quận 12, huyện Hóc Môn (TPHCM) chia sẻ, nhiều lúc bận giao hàng nên quên ăn trưa. “Khách hối quá, mà giao không kịp thì khách giận, gọi điện phản ánh với nhân viên tổng đài. Tuy cực nhưng có thêm thu nhập, nên chúng tôi đều phải cố gắng”, chị Thủy tâm sự.
Ngoài những kênh bán hàng nêu trên, hiện nay các điểm bán hàng cá nhân, bán hàng trực tuyến cũng khá phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của một số khách hàng nhất định. Ví dụ như các Fanpage, mạng Zalo, Facebook…
Khách hàng khai báo y tế trước khi vào siêu thị Co.opmart
Chị Nguyễn Thị Lan, chuyên bán mật ong Tây Nguyên, bơ Đắk Lắk chia sẻ, vài ngày nay đơn hàng khách đặt tăng đáng kể, giúp doanh số tăng hơn ngày thường, hỗ trợ thu nhập mùa dịch.
“Trước đây, mỗi đơn hàng khách mua từ 100.000 - 150.000 đồng, thì nay là các đơn từ 180.000 đồng - 250.000 đồng. Khách dồn đơn, ngại di chuyển do sợ dịch Covid-19”, chị Lan cho biết.
Việc doanh nghiệp bán hàng linh hoạt, vừa bán trực tiếp vừa bán trực tuyến, không chỉ góp phần gia tăng doanh thu mà còn hỗ trợ tích cực để người tiêu dùng yên tâm thực hiện giãn cách xã hội. Điều này thể hiện sự thích ứng, nhanh nhạy của doanh nghiệp trong việc kinh doanh, ở bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.