Nhưng quy mô bao nhiêu là vừa và huy động nguồn lực từ đâu, là vấn đề cần phải được xem xét thấu đáo, cẩn trọng.
Nếu như DNNN nào hoạt động không hiệu quả, chậm trễ CPH theo như kế hoạch đã đề ra, người đứng đầu Chính phủ có thể quyết định bán cả DN đó để bổ sung vào ngân sách thực hiện các chương trình kinh tế khác.
Nguồn lực trong nước vẫn còn nếu chuyển hướng
Nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nguồn lực trong nước vẫn còn, đặc biệt là nguồn lực của Nhà nước, song chúng ta chưa huy động được. Trước hết, có thể thấy dư địa vốn từ chính đầu tư công còn rất nhiều.
Hiện nay, những khoản dành cho đầu tư công song vẫn chưa giải ngân được, nguồn lực này có thể xin Quốc hội cho phép chuyển sang cứu trợ nền kinh tế. Những dự án đầu tư công chưa thể thực hiện được cũng có thể tạm ngừng để chuyển đổi mục đích.
Đây cũng là cơ hội để rà soát lại các dự án đầu tư công kém hiệu quả, kém khả thi và chưa thực sự cấp bách, chuyển phần vốn đó sang cho ngắn hạn và trung hạn, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế phục hồi. Đây là việc đầu tiên cần làm.
Tôi không cho rằng đầu tư công là “chìa khóa vàng” để giải quyết vấn đề tăng trưởng và phục hồi kinh tế lúc này như một số quan điểm đưa ra. Thực tế hiện nay đang có quan điểm trông chờ quá nhiều vào đầu tư công như là biện pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch, và thúc giục giải ngân đầu tư công bằng mọi giá.
Thực tế nhiều quốc gia cho thấy giải pháp này trước mắt có thể đưa lại tăng trưởng kinh tế nhất định trong ngắn hạn, song về lâu dài sẽ để lại những hệ lụy sâu sắc cho nền kinh tế, như gánh nặng nợ nần, kém hiệu quả, đội vốn...
Bên cạnh đó, nguồn từ các quỹ nhà nước sử dụng kém hiệu quả. Đó là các quỹ hoặc các nguồn lực vốn nhà nước hiện chưa sử dụng hết, nên dành cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đơn cử, hiện nay các chương trình mục tiêu quốc gia rất nhiều, song vẫn chưa thực hiện hết, thậm chí thực hiện không hiệu quả.
Nên có sự tính toán dành phần vốn từ các chương trình này để hỗ trợ những mục tiêu cần kíp nhất lúc này là chữa lành vết thương nền kinh tế, từng bước khôi phục lại hoàn toàn. Đây là điều Chính phủ hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thêm vào đó là nguồn từ thu các loại phí lâu nay. Hiện nay, nguồn thu các loại phí của Nhà nước khá nhiều. Thí dụ thu phí môi trường trên xăng dầu rất cao, chiếm tới 40% giá xăng dầu, đây là nguồn thu rất lớn, cũng nên sử dụng khi lúc này đang cần.
Lâu nay chúng ta nói thu phí bảo vệ môi trường nhưng thu ra sao, bao nhiêu, chi thế nào không ai được biết, đến nay chưa có bất kỳ giải trình nào về việc này.
CPH DNNN là giải pháp then chốt
Cổ phần hóa (CPH) DNNN chậm trễ là câu chuyện kinh niên từ nhiều năm nay. Vì thế, bây giờ là lúc Chính phủ cần thực hiện một cách quyết liệt, bắt buộc bằng cơ chế mạnh. Đó là nếu như DNNN nào chậm trễ CPH theo như kế hoạch đã đề ra, người đứng đầu Chính phủ có thể quyết định bán cả DN đó để bổ sung vào ngân sách thực hiện các chương trình kinh tế khác.
Không nên để các DNNN dạng này tồn tại trong trạng thái vật vờ, lay lắt, thậm chí phải dùng chính ngân sách ra để duy trì hoạt động. Các báo cáo hàng năm vẫn đều đặn cho thấy nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước trình ra Quốc hội dù không cụ thể, song vẫn cho thấy tình trạng thua lỗ vẫn phổ biến, tổng dư nợ rất lớn ở khối DNNN, trở thành gánh nặng cho ngân sách và nền kinh tế nói chung.
Thậm chí, hiện nay có những khoản nợ không đòi được. Dịch Covid-19 xảy ra và cùng với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong trung hạn 2021-2025, nên xem là cơ hội để tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, trong đó cần xem việc tái cơ cấu DNNN là mục tiêu quan trọng.
Nếu không tái cơ cấu được DNNN bằng những cú đánh quyết liệt vào những thành trì bảo thủ, trì trệ lâu nay - thí dụ như khâu CPH - sẽ không thể giải phóng được nguồn lực rất lớn đang nằm ở DNNN. Khi những nguồn lực ở khối DNNN như đất đai, vốn, ưu đãi… không được giải phóng nó sẽ thành gánh nặng, làm thiếu đi nguồn lực kinh tế, cản trở những lĩnh vực khác phát triển và gây ra lãng phí.
Chừng nào còn nuôi những DNNN kém hiệu quả chừng đó còn tốn thêm tiền thuế đóng góp, hao hụt nguồn ngân sách, tốn thêm nguồn lực của các DN khác đóng góp vào.
Nên giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn này. Lâu nay chúng ta vẫn nói CPH DNNN chậm do các nguyên nhân như đánh giá định lượng tài sản, đất đai… Song những việc này không phải nguyên nhân chính và cũng không quá khó để giải quyết.
Nguồn lực đất đai của các DNNN còn rất lớn, nếu CPH đây sẽ là nguồn tiền rất lớn cho Chính phủ bổ sung cho ngân sách đầu tư làm công việc khác, trong đó có gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tạo ra được nguồn tiền rất lớn từ nội lực, thay vì phải vay mượn từ bên ngoài.
Trong khi đang tồn tại nghịch lý nguồn lực nhà nước đang sẵn có, sao không đem ra dùng phải đi vay, CPH DNNN mang ý nghĩa rất quan trọng lúc này.
Thứ nhất, nó sẽ giúp Nhà nước có nguồn lực đáng kể để bổ sung cho các gói hỗ trợ kinh tế của mình.
Thứ hai, giảm gánh nặng cho ngân sách khi lâu nay phải gánh cho những DN trì trệ.
Thứ ba, giúp tăng thêm khả năng cạnh tranh của các DNNN còn lại theo tiêu chí tinh, gọn, hiệu quả. Các DNNN cần thông điệp mạnh mẽ hơn từ Quốc hội và Chính phủ, từ đó bắt buộc phải cải cách để thích ứng với mô hình tăng trưởng kinh tế mới.
Chỉ vay nợ bên ngoài cho mục tiêu dài hạn
Trên thị trường tài chính quốc tế hiện nay, việc vay nợ thêm không khó như trước, nhất là khi các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nới lỏng điều kiện vay ưu đãi để hỗ trợ các nước phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19.
Hiện cũng có quan điểm ủng hộ việc vay thêm nợ để hỗ trợ kinh tế phục hồi là dựa trên cơ sở này. Bởi lãi suất vay hiện tương đối thấp, chỉ trên dưới 1% và thời hạn cũng không quá ngặt nghèo đối với những nước như Việt Nam. Nhưng dù sao, đã vay phải tính đến việc trả nợ.
Thực tế nợ công của Việt Nam hiện nay rất lớn. Tỷ lệ nợ công giảm do cách tính lại GDP nên về lý thuyết đã làm giảm phần nợ công, song về thực tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Có nghĩa số nợ giảm xuống nhưng con số nợ tuyệt đối vẫn tăng, cùng với đó nghĩa vụ trả nợ hàng năm vẫn là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Gánh nặng này nếu bớt đi được, dùng để đầu tư sẽ hiệu quả hơn so với việc phải lấy từ tiền thu thuế ra để trả.
Gánh nặng về nợ công, cụ thể là áp lực về nghĩa vụ trả nợ từ năm 2022 trở đi sẽ tăng cao hơn những năm trước bởi những khoản vay nợ từ thời kỳ trước đã đến hạn, trong đó có những khoản vay rất ưu đãi từ cách đây mấy chục năm giờ cũng đã đến hạn.
Chi tiêu thường xuyên do dịch Covid-19 cộng hưởng với các khoản vay đến kỳ phải trả cả gốc lẫn lãi đến cùng lúc, tất yếu sẽ khiến chiếc bánh nợ công “phình” ra, gây áp lực rất lớn.
Đơn cử, khoản vay đầu tiên huy động được từ nguồn thị trường tài chính quốc tế dành cho tái cơ cấu Vinashin gồm 750 triệu USD năm 2007, đến năm 2022 đã đến hạn phải trả với lãi suất khá cao. Trong khi đó, Vinashin nay gần như chẳng còn gì, khoản vay đó đã “chìm” cùng Vinashin. Ngân sách nhà nước lại phải gánh thêm khoản trả nợ này.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 trình Quốc hội vừa qua, cho thấy nợ công ước tính đến cuối năm 2021 khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.
Trong đó, nợ chính phủ 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Như vậy, mỗi người dân Việt Nam năm 2021 sẽ gánh 37,7 triệu đồng nợ công, trong khi đó trong năm này hàng ngàn lao động thất nghiệp, mất việc làm và các chi phí sinh hoạt vẫn đè nặng trên vai.
Nên nợ công và nghĩa vụ trả nợ vẫn là câu chuyện rất đáng lo ngại, ngay cả khi về lý thuyết tính lại GDP. Do đó, nên hạn chế vay thêm nợ bên ngoài. Nếu buộc phải vay, cần vay cho các mục tiêu dài hạn.
Khi nguồn lực nhà nước đang sẵn có, không đem ra dùng phải đi vay nước ngoài. Và CPH DNNN mang ý nghĩa rất quan trọng để giải quyết nghịch lý này. |