ĐTTC đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6-6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt. Đây là số tiền rất lớn, sẽ tác động thế nào khi đưa vào thị trường?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ xảy ra năm 1997-1998, tăng trưởng GDP của Việt Nam bị tác động giảm xuống mức sâu 4,77% (năm 1999), đến khi bật trở lại chỉ lên được 6,79%, tức tăng trên 2%.
Cuộc khủng hoảng thứ 2 là giai đoạn 2008-2011, tăng trưởng GDP lùi về mức 5,2%, sau đó tăng lên 6,4%, tức tăng trên 1%. Như vậy, để hồi phục Việt Nam khó có bước nhảy vọt mà phải mất nhiều năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP đã xuống rất sâu, năm 2020 là 2,91% và dự kiến năm 2021 chỉ khoảng 2%.
Để tăng trưởng GDP năm 2022 lên 6-6,5% là bước nhảy vọt cỡ 4%, kể cả trên mức “nền” thấp của năm 2021. Nói cách khác, để tăng trưởng đột phá, gói hỗ trợ cũng phải ở mức đột phá. Nhìn ra thế giới, các nước, đặc biệt là các nước phát triển đã chi ra mức hỗ trợ lên tới 20-40% GDP. Họ không chỉ tăng chi tiêu cho y tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, còn hỗ trợ cả thu nhập của người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy người dân mất việc làm, giảm tiền lương nhưng không giảm thu nhập (vì được nhà nước bù đắp). Vì thế, khi hết giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng vọt, từ đó tăng trưởng kinh tế cũng bật lên rất nhanh. Mỹ là một điển hình.
- Nhưng Mỹ là nước phát triển mới có đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ rất lớn như thế. Làm sao để Việt Nam với nguồn thu đang khó khăn bố trí được nguồn tiền cho gói hỗ trợ mà vẫn đảm bảo mức bội chi 4% trong năm 2022 như Quốc hội quyết định?
- Tôi cho rằng cần mạnh dạn sử dụng công cụ tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn. Trước hết, để tăng tổng cầu những gì ngân sách đã dự chi phải gấp rút giải ngân. Chỗ nào không chi được thu lại, giao cho những dự án làm tốt.
Tức nghiêm khắc thực hiện đúng các quy định về đầu tư công. Nếu các thành viên Chính phủ mỗi người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc vài dự án trọng điểm, tình hình có thể khác.
Về chi ngân sách, tôi có quan điểm hơi khác về việc “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi mình đang cần kích cả cung lẫn cầu, vấn đề là chi có hiệu quả, đừng đề cao tiết kiệm. Càng khó khăn, tư nhân ngần ngại không dám chi hoặc không có để chi, Nhà nước càng phải mạnh chi.
Còn tiền bao nhiêu là vừa và ở đâu là câu hỏi chỉ có thể trả lời về nguyên tắc, vì muốn cụ thể phải tính toán kỹ bao nhiêu để huy động. Khi huy động phải lấy từ những nguồn có độ rủi ro thấp nhất trước, dần lên cao.
- Ông có thể nêu cụ thể hơn về các nguồn huy động với rủi ro từ thấp lên cao? Rủi ro lạm phát như thế nào, nhất là khi phải có tỷ lệ đáng kể tiền mặt?
- Lạm phát nếu có là cái giá phải chấp nhận để lo cho cuộc sống người dân sau dịch, sau đó sẽ dần quay trở lại bình thường. Đó là lựa chọn của các nước đã thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới hàng chục phần trăm GDP. Tuy nhiên, ở trường hợp cụ thể của Việt Nam, tôi không cho lạm phát như “bóng ma” đáng sợ. Có 2 nguyên nhân dẫn đến lạm phát là cầu kéo và phí đẩy.
Hiện nay cầu đang rất thấp. Có phí đẩy, nhưng phần lớn do nhập khẩu bên ngoài, trong khi hàng nhập khẩu chủ yếu là đầu vào cho xuất khẩu. Giá cả trong nước cũng bị ảnh hưởng từ giá xăng dầu, than… nhưng không nhiều, sẽ có thị trường giải quyết.
Năm 2021 chỉ hơn 1 tháng nữa kết thúc, không có lý do để lo lạm phát mất kiểm soát. Còn năm 2022 lạm phát các nước sẽ đi xuống (do tác động này chỉ là tác động nhất thời), nên áp lực lạm phát từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ giảm.
Về cung tiền, vòng quay tiền hiện nay đang rất chậm, chỉ ở mức 0,6-0,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần ở thời kỳ cao điểm. Lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế không lớn, do đó không đáng ngại. Còn tại sao phải đưa tiền tươi thóc thật ra? Tiền “tươi” là cách nhanh nhất để kích cầu. Có cầu, khắc có cung, thị trường vận hành theo cách đó.
Về các nguồn huy động, theo tôi đầu tiên là phát hành trái phiếu trong nước. Tại thời điểm này lãi suất thấp, phát hành trái phiếu chính phủ khá thuận lợi. Nhưng cần tính xem phát hành bao nhiêu, bao lâu, không nên dài quá. Trái phiếu này các tổ chức, cá nhân, quỹ, ngân hàng thương mại và cả ngân hàng trung ương đều có thể mua.
Vay nước ngoài cũng là giải pháp, khi các định chế tài chính quốc tế đều bày tỏ sẵn sàng cho chúng ta vay 3-4 tỷ USD. Trong trường hợp thực sự cần có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để mua trang thiết bị y tế, vaccine, thuốc chữa Covid-19… đúng chức năng của dự trữ ngoại hối.
Một số nguồn lực phi tài chính khác (bất động sản đóng băng trong các vụ án…) nếu đẩy nhanh tiến độ xử lý cũng có thể huy động.
- Phát hành trái phiếu hay vay nợ nước ngoài đều phải trả nợ, khả năng trả nợ ra sao, thưa ông?
- Chi tiêu hiệu quả, có tăng trưởng, trả nợ không phải là vấn đề. Nếu dừng lại, giữ tiền trong túi nhưng sản xuất kinh doanh đình trệ, công ăn việc làm không có, chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh vừa lạm phát cao, vừa tăng trưởng thấp. Đồng thời, không có tăng trưởng, nợ xấu tăng lên, càng để lâu càng khó xử lý vì chi phí nợ xấu bị “đẩy” vào chi phí sản xuất. Phải hành động nhanh là vì thế.
Tóm lại, cần hành động nhanh, chi tiêu nhiều, đừng quá nặng nề về thủ tục, miễn là chi tiêu có hiệu quả để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng. Trong quá trình đó đừng quá cầu toàn, hãy lấy kết quả tổng thể cuối cùng để đánh giá. Phải chấp nhận có thể “sai” ở mức độ nhất định, chỉ nên tập trung ngăn chặn “phạm”.
Cần lường trước một số rủi ro như thế và chấp nhận. Đây chính là thời điểm thích hợp để cải cách thể chế “phi truyền thống”, làm cơ sở cho những đột phá về cải cách thể chế.
- Xin cảm ơn ông.