Sử dụng margin càng nhiều, quyền tự quyết sẽ càng giảm, gây nên rủi ro về giá trị vốn hóa doanh nghiệp (DN), quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ khác.
Thí dụ, NĐT A sở hữu 10 triệu CP B với giá 2.0, không vay margin. B có giảm về 1.0 hay thậm chí 0.2 chỉ có giá trị tài sản của A giảm, tỷ lệ sở hữu của A tại DN không giảm. Nhưng nếu A sở hữu 10 triệu CP B trong đó có 50% là vốn vay margin (100 tỷ đồng), chỉ cần B giảm về 1.5, danh mục của A đã “lõm” 25%, còn tài sản ròng của A bốc hơi đến 50%.
Trong trường hợp phải bán hết danh mục để trả nợ 100 tỷ đồng cho CTCK, giá trị tài sản ròng của A chỉ còn 50 tỷ đồng, đem ra vay margin 50 tỷ đồng (tỷ lệ 1:1) để mua lại B, số tương ứng mua là 6,6 triệu CP. Nhưng trong thực tế, nếu B tiếp tục lao dốc, CTCK chỉ cho A vay với tỷ lệ thấp hơn 1:1, thậm chí… cắt luôn margin. Lúc này A sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, nếu không mua lại sớm, tỷ lệ sở hữu bị giảm đột ngột, rồi phải công bố thông tin, bị cổ đông chất vấn… Nhưng nếu mua lại sớm, giá CP tiếp tục giảm, nhìn danh mục ngày ngày “bốc hơi”.
Những rủi ro tồi tệ hơn nữa có thể là giá CP giảm sâu, không những làm bay hết vốn tự có của NĐT, còn âm luôn vốn của CTCK. Lúc này, nếu NĐT không đóng thêm tiền, CTCK chưa kịp giải chấp, CTCK có thể trở thành cổ đông “bất đắc dĩ”, thậm chí là… cổ đông lớn của DN, gây nên những xáo trộn về mặt sở hữu trong thời gian ngắn. Đến đây, hẳn sẽ có ý kiến cho rằng phải có giải pháp buộc cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan của DN công bố chi tiết hơn liên quan đến margin. Chẳng hạn, cổ đông lớn sở hữu bao nhiêu CP, tỷ lệ margin bao nhiêu… nhưng giải pháp này không hề đơn giản.
Như vậy trong ngắn hạn, việc tìm được giải pháp chi tiết hơn về công bố thông tin (CBTT) liên quan đến vấn đề vay margin của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ của DN không dễ dàng. Có lẽ NĐT hay cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài phải tìm cách… tự cứu mình trước khi được cứu. Nhìn lại các sự kiện giải chấp gần đây sẽ thấy phổ biến nằm ở các DN bất động sản, khi các lãnh đạo DN và người nhà bị giải chấp khá nhiều. Điều này có thể là tiền lệ để xem xét về sau, nghĩa là các cổ đông, NĐT có thể lấy đó là lý do chất vấn lãnh đạo DN.
Với những NĐT dày dạn kinh nghiệm, có vị thế lớn, việc xác thực thông tin lãnh đạo margin không phải là quá khó. Và cũng kể từ nay, NĐT sẽ phải đối mặt với rủi ro giải chấp của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Nhìn xa hơn, đây là vấn đề hệ trọng của DN, vì liên quan đến sự minh bạch trong CBTT cũng như uy tín của lãnh đạo DN. Chẳng hạn, nếu lãnh đạo DN công bố việc mua vào, mua thêm CP với mục tiêu gia tăng sở hữu và nắm giữ dài hạn, việc sử dụng margin cho các mục đích này có thể bị đặt dấu hỏi. Vì cho dù có các mục tiêu kia thật, nhưng sử dụng margin luôn phải đối mặt áp lực giải chấp, nếu CP đột ngột lao dốc. Lúc này sếp lãnh đạo DN nếu không có tiền đóng thêm vào để cân đối vốn tự có/vốn margin thì phải bán, mà như vậy không đúng với tuyên bố “giữ dài” của mình.
Xem ra hình ảnh lãnh đạo bị CTCK giải chấp ít nhiều sẽ mất điểm trong mắt cổ đông và NĐT bên ngoài. Thường khi biến động không thuận lợi, cổ đông lớn, nội bộ được kỳ vọng mua vào để giữ giá CP, đảm bảo quyền lợi chung. Nhưng nếu cổ đông lớn, nội bộ cũng margin, khi giá CP giảm, không rõ nguồn tiền để mua vào có không? Chưa kể giải chấp cũng có thể tạo ra những nguy cơ tiềm tàng như thâu tóm, thay đổi sở hữu DN.