Trên thực tế, việc này giúp nhiều doanh nghiệp “hồi sinh” nhờ có thêm nguồn vốn mới hoặc có thêm kỹ năng quản trị mới thông qua việc các doanh nghiệp mua lại đã “đổ” thêm vốn vào đầu tư cũng như cải tổ, nâng chất mô hình hoạt động.
Gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO thông báo sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát - đơn vị sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát, là một ví dụ. Ngoài việc phát triển thương hiệu bánh bao được 35 năm, Thọ Phát còn kinh doanh nhiều loại bánh khác, nhưng gần đây lợi nhuận của Thọ Phát không tương xứng với quy mô kinh doanh, nên đối mặt với khoản nợ lớn. Khi nắm quyền chi phối tại Thọ Phát, KIDO đặt mục tiêu 2.000 tỷ đồng doanh thu, giúp Thọ Phát giải quyết các vấn đề về tài chính và phát triển hơn nữa.
Với những lợi ích như vậy, M&A đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước. Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong hơn 20 năm qua, nước ta có hơn 4.000 thương vụ M&A với trị giá gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á.
Thế nhưng, đặt trong một số bối cảnh hiện tại của thế giới, nhất là những diễn biến sau đại dịch Covid-19, nhiều thương vụ M&A đã được cân nhắc lại. Không ít quốc gia đã khẩn trương đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước gặp khó thoát khỏi sự thâu tóm của nước ngoài. Nhiều quốc gia có nền kinh tế mạnh như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… đã bổ sung tiêu chuẩn sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài cũng như mở rộng lĩnh vực phải xem xét trước hoạt động đầu tư FDI và M&A từ nước ngoài. Việt Nam chắc chắn cũng không thể là ngoại lệ, dù đang rất cần vốn, công nghệ cho đầu tư, phát triển nền kinh tế.
Có nhiều lý do để Việt Nam cẩn trọng, khi tăng trưởng phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI. Thống kê mới nhất từ Bộ Công thương cho thấy, khối FDI chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu và 65% kim ngạch nhập khẩu. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương. Chưa kể, trong nhiều dự án đầu tư FDI ở một số địa phương, sau khi trừ đi những ưu đãi, miễn giảm thuế…, địa phương không thu được bao nhiêu cho ngân sách.
Đảng và Chính phủ ta đã khẳng định quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vậy không có lý do gì không xây dựng một chính sách hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực “nhạy cảm”. Nhất là khi trên thực tế đang có nhiều diễn biến đáng lo ngại như Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, có nhiều doanh nghiệp lớn “phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài”.
Tất nhiên, song song với đó là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển. Như nhiều hiệp hội ngành nghề phản ánh, có tới hơn 70% vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính.
Có nhiều thủ tục hành chính đã bị “kêu” hàng chục năm nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo như các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đến vi chất trong thực phẩm, đến đất công xen cài… đã và đang bào mòn sức khỏe doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội, vì ở nhiều lĩnh vực họ thiếu các hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để lên tiếng, đề xuất nguyện vọng với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng nên hành động ngay, để sớm có nền kinh tế độc lập, tự chủ như Đảng và Chính phủ xác định.