Phải có sự đồng thuận của cổ đông
Khoảng một tuần sau lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện đã có hơn 10 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Các NHTM đã đưa ra các chính sách cụ thể, công khai từ thời điểm thực hiện đến các đối tượng được hưởng, mức giảm lãi suất cho vay từ 1% đến hơn 2%/năm, tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng...
Một số NHTM nêu cụ thể tổng số tiền, dư nợ, số khách hàng sẽ được giảm trong đợt này, thậm chí công bố tổng mức lợi nhuận giảm nếu thực hiện đầy đủ việc giảm lãi suất trong đợt hỗ trợ.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 với mức giảm khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm.
Còn Agribank sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng hiện hữu từ nay đến cuối năm. Với việc giảm lãi suất này, thu nhập của Agribank giảm gần 10.000 tỷ đồng trong năm 2021, bao gồm tiền lãi giảm và miễn các loại phí dịch vụ.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh, NHTM tư nhân như VPBank cũng cho biết sẽ hỗ trợ cho khoảng 14.000 tỷ đồng dư nợ vay của cả khách hàng cá nhân, các DN nhỏ và vừa.
Dự kiến VPBank sẽ giảm 1.500 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2021. TPBank thì giảm 0,5%-1,2%/năm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm cho số nợ gần 45.000 tỷ đồng. HDbank sẽ giảm lãi suất cho vay với hơn 18.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức từ 1%-2%/năm; HDbank tập trung hỗ trợ nhóm khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu như y tế, thực phẩm và các DN có nhiều lao động, DN và cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19…
Các NHTM đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ đây đến cuối năm nhưng thời gian xem xét giảm và áp dụng mức lãi suất khác nhau. Cụ thể, theo VPBank, DN nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, giáo dục, nhà hàng, vận tải hành khách có các khoản vay hiện hữu sẽ được áp dụng giảm từ ngày 20-7 đến hết ngày 31-12-2021. ACB thì xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng từ ngày 15-7 đến 15-10, nhưng tỷ lệ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các DN và thu nhập của khách hàng cá nhân.
Lãnh đạo một NHTM tư nhân tại TPHCM nhìn nhận, dù dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn, nhất là khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các NHTM vẫn tốt nhưng việc giảm mạnh lãi suất cho vay của các ngân hàng không dễ. Bởi lẽ bản thân ngân hàng cũng là một DN nên việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, và việc này phải có sự đồng thuận của cổ đông.
“Các NHTM cũng phải dành nguồn lực tài chính để dự phòng rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới. Việc giảm lãi suất nhằm chia sẻ với DN trong lúc này là cần thiết nhưng bản thân các ngân hàng phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của hệ thống. Do đó khó kỳ vọng về một làn sóng giảm sâu, giảm rộng lãi suất cho vay”- vị này chia sẻ.
Chính sách đồng bộ - yếu tố quyết định
Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã và đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Tình trạng này không chỉ ở 4 NHTM quốc doanh, mà các NHTM tư nhân cũng cho rằng lãi suất cho vay hiện đã giảm 3%-4% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay. Thế nhưng, đơn vị này cũng nhận định rằng vẫn cao so với sức chịu đựng của DN trong bối cảnh thanh khoản đứt đoạn, không có nguồn thu. Đối với DN du lịch, kinh doanh khách sạn, mức giảm 1%-2% chưa thật sự nhiều do bị mất dòng tiền trả nợ.
Lãnh đạo một chi nhánh NHTM quốc doanh tại TPHCM cho biết, việc hỗ trợ theo tình hình, “sức khỏe” thực tế của từng DN trong thời điểm này sẽ thực chất hơn là giảm lãi suất cào bằng. Theo vị này, những ngân hàng đang cho vay với lãi suất cao so với mặt bằng trên thị trường thì phải giảm lãi suất nhiều hơn. Nhiều DN có dư nợ lớn tại ngân hàng chia sẻ với ngân hàng, việc giảm lãi suất 1%-2%/năm không cần thiết bằng việc được tăng hạn mức tín dụng để có thêm vốn trang trải chi phí và kinh doanh.
“Hiện chúng tôi đang tái định giá tài sản thế chấp cũng như việc quản trị dòng tiền của một số DN để xem xét tăng mức cho vay theo nhu cầu của DN thay vì giảm đều lãi suất cho khách hàng”, vị này cho hay.
Trong bối cảnh khả năng cầm cự của DN trong đợt dịch lần thứ 4 ngày càng yếu do đã chịu đựng dịch quá lâu, động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng có ý nghĩa hơn rất nhiều vì góp phần giảm gánh nặng chi phí, giảm khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để các DN tồn tại qua dịch Covid-19, cơ quan chức năng phải có giải pháp đồng bộ như đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người lao động trong thời gian sớm nhất, miễn tiền thuê đất, miễn một số loại phí, thuế… cho DN. Bởi lẽ, chỉ khi nào DN hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, việc hỗ trợ tín dụng cho các DN hiện nay đang là vấn đề cấp bách vì nếu không có tín dụng, DN đứng trước bờ vực phá sản. Còn lãi suất thì phải vận động theo thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất huy động giảm sâu sẽ khiến dòng tiền chạy ra khỏi hệ thống ngân hàng. Do đó, cơ quan chức năng và NHNN cần có cơ chế, chính sách để tạo động lực cho các NHTM mạnh dạn giảm thêm lãi suất cho vay thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc… “NHNN cần huy động các NHTM cung cấp gói tín dụng 300.000 tỷ đồng với lãi suất thấp khoảng 3%-5%/năm để hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Theo đó, chỉ cần mỗi NHTM trích 3% tổng dư nợ tín dụng để tham gia gói hỗ trợ này”, ông Hiếu đề xuất. |