Đây là diễn đàn đối thoại chính sách thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. Trọng tâm của các nỗ lực đó là các nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp như Nghị quyết 19 ban hành hàng năm (giai đoạn 2014 – 2018), Nghị quyết 02 năm 2019 (thay thế cho Nghị quyết 19) và Nghị quyết 35 (ban hành năm 2016).
Nhờ vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, những chuyển biến này vẫn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần những nỗ lực thực chất và đồng bộ hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong báo cáo đánh giá của VCCI cho thấy, có một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có thể dự đoán được thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách đã giảm liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được thay đổi nội dung chính sách tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018 trong khi những thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp rất quan ngại đến những thay đổi liên quan đến chính sách thuế và mức thuế suất cao bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp có liên quan. Do đó, VCCI khuyến nghị, những sự thay đổi về chính sách thuế cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và cần có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 có 3 phiên thảo luận chính nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư. Cụ thể, phiên 1 sẽ thảo luận về cơ chế điều tiết cho sự bền vững của các nhóm công tác như đầu tư - thương mại, du lịch, thuế và hải quan.
Phiên 2 sẽ thảo luận về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nhóm công tác về nông nghiệp, điện và năng lượng. Phiên 3 sẽ thảo luận về hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới với sự tham gia của các nhóm công tác về thị trường vốn và ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và giáo dục – đào tạo.