Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường xung quanh Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Vì vậy, Chính phủ thấy cần báo cáo Quốc hội để có cơ chế xử lý.
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị cần căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp, nếu không có khả năng trả thì mới xóa nợ, chứ không phải chậm nộp là đương nhiên được xóa nợ thuế. Bên cạnh đó, cần khoanh lại những đối tượng mất khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Đồng quan điểm, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, chỉ những đối tượng thực sự không còn khả năng nộp mới được cho miễn.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đặc biệt để ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách này cần phải chỉnh sửa để đảm bảo việc xóa các khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp chỉ áp dụng cho những khoản nợ thuế phát sinh do bị thiên tai, tai nạn bất ngờ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị làm rõ việc tổn thất số tiền thuế đó là do khách quan hay chủ quan.
“Nếu quyết định này ra đời, ngân sách sẽ thất thu một khoản rất lớn. Vấn đề quan trọng là tách được cái nào là khách quan, cái nào chủ quan. Khách quan thì phải xóa, miễn. Nhưng là chủ quan thì phải cân nhắc. Chủ quan có nguyên nhân do các cơ quan Nhà nước không làm đúng trách nhiệm của mình cho nên không thu được, làm tổn thất ngân sách. Người nộp thuế cũng có 2 diện: hoàn toàn không có khả năng, những người chết; hoặc cố tình chây ì, tránh né và nghĩ cứ ì ra đấy đến một lúc nào đó được miễn giảm. Chúng ta phải tách ra để khách quan thì miễn, còn chủ quan không được miễn”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Quốc hội ban hành Nghị quyết là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, không phải ban hành nghị quyết là xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ, thủ tục thì mới được xử lý nợ.
Đối với tiền nợ thuế gốc vẫn tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định Luật quản lý thuế. Nghị quyết này áp dụng cơ chế như Luật quản lý thuế số 38 nhưng áp dụng nợ cho giai đoạn trước ngày 1-7-2020 để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thu hồi được, không còn đối tượng để thu hồi nợ.