Không thể mãi là “bến đỗ tạm thời” của FDI

(ĐTTCO) - Làm sao thu hút, ứng xử và tận dụng cơ hội của dòng vốn FDI đang là vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Đã có lúc chúng ta quá tự tin và nay đã đến lúc cần có cách nhìn nhận, ứng xử khác về FDI.

Với lợi thế lao động giá rẻ, chúng ta đừng mắc phải FDI sử dụng Việt Nam chỉ là "bến đỗ tạm thời". Ảnh: VIẾT CHUNG
Với lợi thế lao động giá rẻ, chúng ta đừng mắc phải FDI sử dụng Việt Nam chỉ là "bến đỗ tạm thời". Ảnh: VIẾT CHUNG
Giữa vui và buồn
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, mở cửa nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, thành tựu FDI đem lại chính là đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đưa hàng hóa “made in Việt Nam” vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. 
Nhưng FDI cũng có mặt trái của nó khiến chúng ta trăn trở. Đó là khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ, quãng thời gian lẽ ra đã đủ để nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên “thành rồng, thành hổ”. Nhưng đến nay Việt Nam vẫn chỉ là công xưởng gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp (DN) trong nước, sức lan tỏa về công nghệ, quản trị chưa cao.
Đáng lưu ý, một bộ phận DN FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật, mua bán sáp nhập, nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.
Không thể mãi là “bến đỗ tạm thời” của FDI ảnh 1
Trong thời gian gần đây, FDI đổ bộ vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Đây là điều đáng mừng, nhưng bên cạnh đó cũng là nỗi lo. Tác động cộng hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đang khiến nhà đầu tư hướng tới chiến lược đa dạng hóa thị trường, nguồn cung ứng. Trung Quốc đóng vai trò là công xưởng thế giới, cung cấp hầu hết nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã khiến các tập đoàn đa quốc gia đang phải định hình lại và có chiến lược rõ ràng cho việc chuyển dịch các cơ sở sản xuất đang đóng tại Trung Quốc sang các nước khác. Trong các nước ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế vì gần gũi với Trung Quốc, vị trí địa chính trị thuận lợi, cũng có nguồn lao động tương đối dồi dào và không gian kinh tế tương đối lớn.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể đón nhận dòng vốn đầu tư từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Song, điều chúng ta cần lưu ý là dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch không chỉ có dòng vốn chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, còn có cả dòng vốn đầu tư chất lượng thấp, công nghệ không cao, sử dụng lao động giản đơn, giá trị gia tăng không lớn và không thân thiện với môi trường.
Nếu không có chính sách, bộ lọc hợp lý, rất có thể chúng ta sẽ trở thành nơi thải loại của những công nghệ không phù hợp. Điều này đòi hỏi chính sách sắp tới của chúng ta trong thu hút đầu tư FDI phải sàng lọc, có lựa chọn, không phải “vơ bèo gạt tép”.
Vì thế, đây là lúc chúng ta phải có định hướng lựa chọn tốt hơn, để nâng cấp dần sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta không thể chấp nhận mãi những khâu sản xuất sử dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động giá rẻ.
Có thoát bẫy thu nhập trung bình?
Đã có thời kỳ, chúng ta “mắc bệnh” tự tin quá mức. Đó là khi đánh giá về môi trường đầu tư, năng lực hấp thụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nay đầu tư của nước ngoài ào ào đổ vào Việt Nam, bởi họ cần đa dạng hóa đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ, là “bến đỗ tạm thời” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đơn cử lĩnh vực điện tử, ngay cả chip điện tử hay iPhone, iPad sản xuất tại Việt Nam cũng vẫn là lắp ráp, không hơn gì gia công dệt may, giày dép. 
Hoặc ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nhiều vào các thị trường xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA, là hàng hóa của chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu rất cao về lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, của nguồn nguyên liệu.
Do đó, bây giờ cũng là lúc chúng ta phải thu hút được các DN sản xuất CNHT từ các nước vào Việt Nam. Đồng thời, phải nâng cao năng lực của DNNVV trong nước để có khả năng trở thành các nhà thầu phụ cho các tập đoàn xuyên quốc gia. Nếu không phát triển CNHT Việt Nam mãi chỉ là nền kinh tế gia công lắp ráp, mãi “làm thuê cho thiên hạ”, không có cách nào vượt được bẫy thu nhập trung bình. 
Lợi thế của chúng ta là lực lượng lao động trẻ, rất năng động, cần cù, chịu khó, nhưng chưa phát huy được lợi thế để có được lao động chất lượng cao. Trong khi đó, thời kỳ dân số vàng cũng đã sắp hết. Vì thế, câu hỏi được đặt ra rất nhiều trong những năm qua và cả bây giờ, rằng khi nào kinh tế chúng ta mới có thể đuổi kịp Malaysia và Thái Lan, trong khi hiện 2 nước này cũng chưa thoát ra được khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Vậy để thoát bẫy cần phải có cái gì? Đó là năng suất lao động phải cao, mới tạo được giá trị thặng dư lớn. Năng suất lao động muốn cao phải có nền tảng khoa học công nghệ tốt, có chính sách tốt, có nền CNHT mạnh, đồng đều. Nhưng năng suất lao động Việt Nam hiện nay đang rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều nước trong khối ASEAN.
Nhìn vào bức tranh của lực lượng lao động để hiểu được chất lượng của nền kinh tế hiện  nay chúng ta như thế nào, để từ đó chọn FDI phù hợp với “khẩu vị” của mình. Để chuẩn bị đón dòng vốn chất lượng cao, trước hết cần chuẩn bị tốt về thể chế. Một thể chế minh bạch, đảm bảo các yêu cầu rất cao về lao động và môi trường, làm bộ lọc cho dòng vốn đầu tư mới vào nước ta.
Thêm vào đó, cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đặc biệt là logistics, cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng về công nghệ số để chúng ta có thể đón được dòng vốn đầu tư mới. 
Điều nữa cũng rất quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực. Muốn thu hút những công đoạn giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần có những kỹ sư trình độ cao, đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề. Hiện nay, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các công đoạn giá trị cao, như hoạt động nghiên cứu phát triển R&D chẳng hạn. 
Đây là lúc chúng ta phải có định hướng lựa chọn tốt hơn, để nâng cấp dần sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta không thể chấp nhận mãi những khâu sản xuất sử dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và sử dụng lao động giá rẻ.

Các tin khác