Tuy chưa có số liệu tổng hợp của cả nước, nhưng nhiều tỉnh, thành khác cũng đã thông báo kết quả khá lạc quan về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) những tháng cuối năm.
Những chuyến thăm dò hứa hẹn
Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các chuyến công du của doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp. Trong chuyến đi của mình, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện tử Samsung (Hàn Quốc), ông Roh Tae-Moon, cho biết Samsung sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay.
Trong số này, hơn 2 tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào các dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và Samsung Complex HCMC - SEHC. Phần còn lại sẽ được công bố trong những tháng cuối năm. Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD vào Bắc Giang; trong khi Luxshare, Goertek… đang không ngừng mở rộng đầu tư.
Mới đây, một đoàn gồm 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đã có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. ACMA là hiệp hội quy mô lớn, với 800 thành viên là các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, đóng góp hơn 85% doanh thu của ngành này tại Ấn Độ.
Ông Yuvraj Kapuria, Chủ tịch YBLF (thành viên của ACMA), cho biết ACMA mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam để cùng khám phá, khai thác các thị trường mới. Doanh nhân này còn khẳng định “chấp nhận mọi phương thức hợp tác”, không loại trừ khả năng đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Cách đó chỉ 1 tuần, ông Yerkin Tatishhev, sáng lập viên, Chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia Kusto Group, cũng đã có chuyến thăm Việt Nam. Trao đổi với các cơ quan chức năng, đối tác tiềm năng, ông Yerkin Tatishhev đã hé lộ kế hoạch mở rộng đầu tư hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực nhà ở xã hội và các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Đáng nói, doanh nhân này đã đầu tư hơn 1 tỷ USD cho 10 thương vụ lớn tại Việt Nam trong 15 năm qua.
Một doanh nhân nổi tiếng khác, ông Robert Wu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Sharp (Nhật Bản), cũng vừa đến Việt Nam, tái khẳng định ý định tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây, với những nhận định lạc quan về triển vọng của nền kinh tế.
Trung tuần tháng 8, trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc), cho biết đang xem xét các điều kiện để đầu tư các dự án hydrogen tại khu vực ĐBSCL và các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Gần nhất, chiều 24-8, tại Tokyo, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, ông Shigetoshi Aoyama, Phó Chủ tịch JETRO, đánh giá Việt Nam là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực. Qua khảo sát của JETRO, có trên 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư trở lại Việt Nam trong 2 năm tới, dẫn đầu các nước Đông Nam Á.
Tại diễn đàn này, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, như Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme… cũng nêu đề xuất cụ thể về việc hợp tác phát triển năng lượng tại các KCN ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme; đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các cơ chế về điện áp mái, sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện 8, hoàn thiện cơ chế ban hành mua bán điện trực tiếp…
Cam kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước đã thể hiện qua một loạt biên bản ghi nhớ được ký tại diễn đàn. Cần nói thêm Nhật Bản nhiều năm qua luôn đứng trong tốp 3 các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Cơ hội có kết thành trái ngọt?
Những tín hiệu tốt cho thấy, Việt Nam đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Nhưng làn sóng đó có thực sự “cập bờ” và biến thành những thành tựu phát triển hay không, lại là câu chuyện còn dài. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19; tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị, các lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa.
Thêm vào đó là sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Việc Việt Nam tập trung đẩy mạnh đầu tư công, dốc vốn cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, cũng tạo nên lực hấp dẫn lớn.
Tuy vậy, không thể phủ nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã chia sẻ nỗi lo về những trở ngại trong việc thu hút và nâng cao chất lượng của nguồn vốn FDI, từ khung khổ pháp luật cho đến đất đai, kỹ năng lao động…
Những giải pháp để khắc phục, theo Bộ trưởng tuy không còn là mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Đó là rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu, những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, thách thức nan giải hơn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, là tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện chuỗi Nghị quyết 19 (và sau này là Nghị quyết 02 của Chính phủ) về vấn đề này cần được tiếp tục quyết liệt hơn nữa.
Nhiều nhà quan sát kinh tế đã lên tiếng cảnh báo, gần đây do phải căng sức chống dịch, tiến trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đang chậm lại, thậm chí có thể “đứt gãy”. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn nhằm lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài phù hợp với quan hệ kinh tế mới, mô hình và phương thức kinh doanh mới, bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế…
Đặc biệt, cần khuyến khích đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, không “bỏ hết trứng vào một giỏ” trong thế giới đầy biến động khó lường hiện nay.
Đứng trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới, rất cần sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. |