Khu chế xuất - Khu công nghiệp: Chấm dứt phát triển theo chiều rộng

(ĐTTCO) - Lợi thế và thế mạnh từ các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX, KCN) đúng là không thể phủ nhận từ kinh tế đến xã hội. Ở các nước phát triển ưu thế này có từ những năm 60, còn ở Việt Nam là 20 năm trở về trước. Hiện nay đã khác, mô hình truyền thống và công nghệ cũ đã không còn phù hợp. Do vậy chúng ta cần chấm dứt phát triển theo chiều rộng mà cần nâng cấp, sáp nhập theo mô hình phát triển chiều sâu.

Sáng 27-10, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX, KCN) đã tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCX, KCN TPHCM. Kể từ khi KCX Tân Thuận là khu đầu tiên ra đời năm 1991, thì đến nay trên địa bàn TPHCM đã có 18 KCX, KCN và 2 khu công nghệ cao đi vào hoạt động. Bình quân mỗi năm các KCN, KCX đã thu hút khoảng 13 tỷ USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 281.000 lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Tuy nhiên, có một thực tế là sau hơn 30 năm phát triển, mọi thế mạnh của KCN, KCX theo mô hình truyền thống không còn phù hợp nữa. Thực tế mô hình KCX, KCN tập trung ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước tại Đài Loan và Hàn Quốc, sau này phát triển rầm rộ ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… với mục đích là tập trung các nhà máy lại với nhau để tiết kiệm chi phí vận chuyển, chi phí môi trường, và gom những nhà máy sản xuất các bộ phận rời của một sản phẩm lại chung một chỗ như sản xuất ô tô, tàu hỏa, máy tính…
Bắt đầu từ năm 1995 trở đi, mô hình KCN, KCX phát triển theo chiều rộng đã dần bị loại bỏ ở nhiều nước trên thế giới, thay vào đó là những KCN, KCX phát triển theo chiều sâu, dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những năm về sau, ngoài KCN, KCX  ra thì mô hình khu công nghệ cao, khu khoa học sáng tạo được tiếp tục ra đời và phát triển mạnh mẽ. 
Cho đến thời điểm hiện nay, các KCN, KCX ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn theo mô hình truyền thống. Đó là các KCN, KCX này chiếm một mặt bằng rất rộng lớn, có khi đến hàng trăm, hàng ngàn ha, sử dụng lực lượng nhân công rất lớn, có những KCN có hàng ngàn công nhân với tay nghề trung bình, sử dụng công nghệ và kỹ thuật không đổi được mới (để tiết kiệm chi phí).
Mô hình này không còn phù hợp nữa, đến lúc phải thay đổi nhanh và triệt để. Và đúng như ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định: “Điều này đòi hỏi các KCX, KCN TP tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các công nghệ già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ, vật liệu mới. Đồng thời đảm bảo vai trò chuyển giao công nghệ…”. 
Tất nhiên, việc thay đổi không phải một sớm một chiều mà phải có quy trình và lộ trình. Theo tôi TPHCM cần phải xác định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, không tiếp nhận thêm các doanh nghiệp chiếm dụng đất lớn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng như chế biến đồ gỗ, vật liệu xây dựng, chế biến thủy hải sản (những doanh nghiệp này nên được đặt ở các tỉnh xa). Lý do là TPHCM đã cạn nguồn đất lớn dành cho những loại doanh nghiệp như thế. TPHCM cần ưu tiên những doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao như sinh học, công nghệ thông tin, y sinh… vì các loại hình sản xuất này không cần mặt bằng lớn mà hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.  
Thứ hai, không tiếp nhận các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng công nghệ-kỹ thuật lạc hậu. Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư cho rằng khi đầu tư vào các nước nghèo hay mới thoát nghèo, thì nên sử dụng công nghệ và kỹ thuật cũ lạc hậu mang từ nước họ qua, như thế không tốn tiền đầu tư, tận dụng máy móc có sẵn và giải quyết được số lượng lớn lao động địa phương có tay nghề thấp.
Điều đó đúng ở Việt Nam cách nay 20 năm, còn nay tình hình đã khác. Đúng là công nghệ cũ, máy móc cũ thì sử dụng được nhiều lao động, giải quyết được nạn thất nghiệp, nhưng lại thải ra quá nhiều phế phẩm, rác thải, nước thải, khói bụi và làm ô nhiễm môi trường, kiểu như xi măng lò đứng, sản xuất điện than, nhà máy mía đường bằng máy ép trục truyền thống, nhuộm vải bằng bồn, xử lý gỗ bằng lò than…
Do vậy, đối với các doanh nghiệp còn thời gian thuê buộc phải thay đổi công nghệ lạc hậu sang các công nghệ mới. Vẫn biết mỗi lần thay đổi công nghệ là tốn kém, phải đào tạo lại nhân công, nhưng không vì thế mà duy trì mãi được. Hiện nay ở TPHCM có một vài KCN như Tân Phú Trung (Củ Chi), KCN Vĩnh Lộc (Bình Chánh), số doanh nghiệp có công nghệ cũ còn khá lớn, hầu như KCN nào cũng có tồn tại một số doanh nghiệp sản xuất với công nghệ từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Khi các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ-kỹ thuật sản xuất tiên tiến thì số công nhân trực tiếp sản xuất giảm đi, điều đó đồng nghĩa với việc các công nhân lao động phổ thông giảm, công nhân có tay nghề cao tăng. Một thí dụ điển hình nhất là các nhà in ở TPHCM như Liksin, nhà in Tuổi Trẻ, trước đây phải sử dụng rất nhiều công nhân cho việc xếp chữ, làm khuôn, đóng sách thủ công, nhưng nay toàn bộ các khâu từ thiết kế đến in ấn đều thực hiện trên máy tính và dây chuyền tự động, nên cần rất ít công nhân và họ đều là những người có tay nghề cao. 
Thứ ba, tiến hành di dời hoặc sáp nhập các KCN có quy mô quá nhỏ chỉ có vài chục ha vào các KCN có quy mô lớn hơn, các KCN có chức năng gần giống nhau có thể thu về một mối như điện tử, điện lạnh; may quần áo, may giầy, túi xách; hóa chất, nhuộm, chất tẩy rửa; chế biến sản phẩm thủy sản, nông sản… TPHCM có một vài KCN có diện tích rất nhỏ, khoảng 25-27ha; những quận, huyện có nhiều KCN trên địa bàn cũng xắp xếp lại thành 1-2 khu, chẳng hạn Bình Chánh có đến 8 KCN, Củ Chi có 7 KCN… 
Thứ  tư, một điểm quan trọng trong việc tái cấu trúc các KCN, KCX là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn. Công nghiệp xanh là xu thế tất yếu của nhân loại. Doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp sử dụng ít đất đô thị, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, không có khí phát thải và ít tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên trên 1 đơn vị sản phẩm.
Đồng thời mỗi doanh nghiệp cũng phải phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nếu trước kia mỗi doanh nghiệp khi sản xuất ra một sản phẩm chỉ quan tâm đến đầu ra như mức tiêu thụ sản phẩm ngoài thị trường, giá cả, nay họ phải chịu trách nhiệm đến sản phẩm sau khi hết một vòng đời sử dụng, tức sản phẩm hết hạn sử dụng khi bị thải loại sẽ đi về đâu? Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với một sản phẩm từ khi là ý tưởng cho đến khi sản phẩm không còn giá trị sử dụng nữa.   
Việc kết thúc sứ mệnh các KCN, KCX theo mô hình những năm 60 của thế kỷ 20 và chuyển sang một mô hình mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả hơn là đòi hỏi cấp thiết. TPHCM cần đi đầu trong việc chuyển đổi này, nếu chậm sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy không lường trước được, một trong số đó là quá tải chính sách hỗ trợ kỹ thuật cũng như xã hội và dân số.  

Các tin khác