Thiệt hại hàng chục ngàn tỷ USD
Đất đai là yếu tố cần thiết để sản xuất tới 95% lượng lương thực thực phẩm toàn cầu. Đất còn đóng vai trò quan trọng trong lọc nước, là hệ thống lọc nước lớn nhất trên trái đất, nếu không có đất chúng ta không thể có nước sạch để dùng hàng ngày.
Đất cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, như cô lập carbon. Đất chứa lượng carbon gấp 3 lần trong khí quyển và 4 lần trong các vật thể sống (cây cối, động vật). Đất cũng cung cấp môi trường sống cho hơn 1/4 sinh vật trên hành tinh.
Mỗi gam đất chứa hàng triệu vi khuẩn và nấm đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả hệ sinh thái vi sinh vật. Hiện nay, tới 3/4 thuốc kháng sinh của chúng ta đến từ các loài vi khuẩn có trong đất. Thuốc bào chế từ vi khuẩn có trong đất đã thay đổi ngành y học, giải quyết những căn bệnh gây tử vong hàng đầu như sốt thương hàn, lao, sốt phát ban…
Nhưng có một thực tế là đất đang “chết” dần. Báo cáo của LHQ cho thấy 52% đất nông nghiệp đã bị thoái hóa. Điều đó có nghĩa hơn một nửa diện tích đất chúng ta sử dụng để sản xuất thực phẩm hiện đang thiếu dưỡng chất cần thiết để sản xuất lương thực. Các nhà khoa học cảnh báo, với tốc độ thoái hóa đất như hiện nay, chúng ta sẽ hết đất nông nghiệp trong khoảng khoảng 40-50 năm nữa. Nếu không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ không có đủ lương thực để tự nuôi mình.
Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho biết sẽ không có nạn đói trước mắt, nhưng chắc chắn xuất hiện tình trạng thiếu lương thực trong thời gian khá dài, đặc biệt đối với các nước có năng lực sản xuất thấp.
Cụ thể, ông Abdul Hakim Elwaer cho biết hơn 800 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, đặc biệt ở Trung Đông và Bắc Phi. Nga, Ukraine và khu vực Biển Đen là nguồn cung cấp lương thực giá rẻ gần nhất cho khu vực Bắc Phi, vốn là nhà nhập khẩu ròng lúa mì và dầu ăn ở mức 80-90%. Nhưng sau khi nổ ra chiến tranh, các mặt hàng lương thực cơ bản như lúa mì, dầu và đường đã tăng giá đáng kể.
Giá lúa mì tăng từ mức 300USD/tấn lên 500USD/tấn, trong khi một số quốc gia, bao gồm Nga, Ukraine, Ấn Độ và Kazakhstan, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu những mặt hàng cơ bản này. Điều này diễn ra sau khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, thiếu nguồn nước và điều kiện đất đai ngày càng thoái hóa đang làm trầm trọng hơn vấn đề.
Theo LHQ, tác động của suy thoái đất có thể gây thiệt hại tổng cộng 23.000 tỷ USD về lương thực, dịch vụ hệ sinh thái và thu nhập trên toàn thế giới vào năm 2050. LHQ cho biết xói mòn đất có thể làm giảm tới 10% năng suất cây trồng vào năm 2050, tương đương với việc bị mất hàng triệu mẫu đất canh tác.
Thoái hóa đất là quá trình tự nhiên, nhưng con người có thể làm tăng tốc nó. Và nay nó nhanh hơn nhiều so với tốc độ hình thành đất. Ở các nước như Mỹ, xói mòn đất nhanh hơn 20-30 lần tốc độ hình thành đất. Ở một số nước, nó còn nhanh hơn gấp 100 lần.
Hướng khắc phục?
Tin tốt là chúng ta có thể cải thiện tình trạng trên. Viện Rodale ở Kutztown, Pennsylvania, được biết đến là nơi khai sinh ra nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại. Ông Reza Afshar, Trưởng khoa học gia tại trang trại nghiên cứu nông nghiệp tái sinh Viện Rodale, nói: “Các dự án chúng tôi thực hiện ở đây tập trung việc cải thiện và tái tạo sức khỏe của đất. Chúng tôi đã thử nghiệm hệ thống canh tác này trong 42 năm”.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng nông nghiệp hữu cơ tái sinh tạo ra năng suất cao hơn tới 40% trong thời gian hạn hán, có thể mang lại cho nông dân lợi nhuận lớn hơn và thải ra ít khí thải carbon hơn 40% so với các phương pháp canh tác nông nghiệp thông thường.
Báo cáo Đất đai toàn cầu (GLO) của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) chỉ ra 3 vấn đề chính có thể thay đổi để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Thứ nhất, cải thiện quản lý đất đai và bảo đảm quyền sở hữu. Theo UNDP, quyền sở hữu, sử dụng và kiểm soát đất đai là điều cần thiết đối với nông dân sản xuất nhỏ và cộng đồng nếu họ muốn đầu tư vào quản lý đất có thể phục hồi và tái tạo.
Đặc biệt quan trọng là quyền của hơn 500 triệu người chăn gia súc và quyền về đất đai của 476 triệu người bản địa, những người chỉ chiếm 6% dân số toàn cầu, nhưng đóng vai trò là người quản lý khoảng 1/4 bề mặt đất liền của trái đất. Vì lý do này, Sáng kiến Xích đạo do UNDP lãnh đạo đặc biệt chú trọng đến việc trao Giải Xích đạo danh giá cho các cộng đồng địa phương đã thành công trong việc đảm bảo quyền đất đai ở Indonesia, Canada và Ecuador, cùng nhiều cộng đồng khác.
Thứ hai, sử dụng đất tái sinh. Nông nghiệp tái sinh và nông lâm kết hợp có thể cung cấp khoảng 1/3 giải pháp phát thải khí hậu hiện nay. Vì lý do này, UNDP đã cung cấp tài trợ cho nông dân ở Kenya, Mexico và trên khắp thế giới, để giúp chuyển đổi sang các phương thức canh tác nông nghiệp tái sinh.
Chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh và nông lâm kết hợp có thể có những tác động sâu sắc đến cuộc sống của nông dân. Chẳng hạn, 2.700 phụ nữ trong Hiệp hội Phát triển Deccan của Ấn Độ, hơn 1.000 nông dân trong Liên đoàn Phát triển Hữu cơ BIO-KG của Kyrgyzstan, và 500 phụ nữ thực hành nông lâm kết hợp với ca cao trong chương trình Sáng kiến Rừng Nhiệt đới và Phát triển Nông thôn của Cameroon.
Thứ ba, quy hoạch tổng hợp sử dụng đất. Sử dụng quy hoạch không gian và các phương pháp tiếp cận đa ngành là điều cần thiết để phát triển các kế hoạch sử dụng đất tích cực với thiên nhiên, xác định các không gian cần bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững đất để đáp ứng các mục tiêu xã hội. UNDP hiện đã thí điểm “Bản đồ hy vọng” ở 14 quốc gia, tập hợp nhiều lĩnh vực và bộ dữ liệu không gian thông qua Phòng thí nghiệm Đa dạng sinh học của LHQ, giúp các chính phủ phát triển kế hoạch sử dụng đất với bản đồ của riêng họ.
Mọi thứ chúng ta có đều đến từ đất: thực phẩm chúng ta ăn, những thứ chúng ta sử dụng hàng ngày, thuốc men, thậm chí cơ thể chúng ta phát triển từ các chất dinh dưỡng đến từ đất. Nhưng có thực tế là đất đang “chết” dần, chúng ta đang đứng trước cuộc khủng hoảng đất và cần phải hành động ngay để ngăn chặn điều này. |