Tăng 130% trong 1 tháng
Tại châu Âu, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ đầu tháng 9, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 130% lên mức 230USD/thùng, gấp 8 lần cùng kỳ năm ngoái. Giá tăng mạnh nhưng lại có ít nhất 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8.
Theo Bộ trưởng Thương mại Anh Kwasi Kwarteng, giá nhiên liệu đã tăng gấp 4 lần trong vòng 6-7 tháng qua. Trong khi đó, tại Pháp giá điện tăng 149% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến ngày 15-9. Giá điện và khí đốt tăng phi mã cũng là tình trạng tại hàng loạt nước châu Âu khác như Italia, Tây Ban Nha…
Tại Đông Á, giá khí đốt cũng tăng phi mã 85% kể từ đầu tháng 9, tương đương 204USD/thùng. Trong khi đó, Trung Quốc đang ở trong cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đe dọa khả năng vận hành của “công xưởng thế giới”.
Hoạt động sản xuất nước này đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 do thiếu điện. Ấn Độ cũng đứng trước khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt than đá, nguồn nhiên liệu tạo ra gần 75% tổng sản lượng điện của đất nước.
Tại Nhật Bản, giá điện đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng do giá dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than toàn cầu cung cấp cho thị trường điện 150 tỷ USD của nước này đang bắt đầu tăng.
Tại Mỹ, nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên, giá khí đốt vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá toàn cầu, nhưng đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, tăng hơn 112% kể từ tháng 1. Kể từ tháng 10 năm ngoái, giá xăng đã tăng 1,11USD/gallon và hiện ở mức 3,29USD/gallon.
Tại một số nơi, như Miami và New York, giá xăng thậm chí lên tới 5USD/gallo. Giá dầu đã tăng hơn 65% kể từ đầu năm.
Tác động đã được nhìn thấy
Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu năng lượng, giá dầu, khí đốt và than đá cao đang dẫn đến lạm phát trở lại, với giá bán buôn ở mức cao nhất trong 13 năm. Trung Quốc ghi nhận doanh số bán xe hơi giảm 20%. Nước này cho biết sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện than chuyển chi phí phát điện cao cho người tiêu dùng, thông qua giá điện theo định hướng thị trường.
Việc này được kỳ vọng khuyến khích các nhà máy phát điện thua lỗ tăng sản lượng. Cuộc cải cách này của Trung Quốc theo sau loạt biện pháp, bao gồm thúc các công ty khai thác than giảm sản lượng, quản lý nhu cầu điện tại các nhà máy công nghiệp để kiềm chế giá than cao và giảm bớt tình trạng khủng hoảng điện toàn quốc.
Các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng như xi măng, thép và nhôm phải hạn chế sản xuất.
Trong khi đó, Ấn Độ yêu cầu các nhà sản xuất điện nhập khẩu 10% nhu cầu than của họ. Chính quyền cảnh báo các tiểu bang nguồn cung cấp điện của họ sẽ bị hạn chế nếu bị phát hiện bán điện trên các sàn giao dịch để tranh thủ hưởng lợi từ giá cả tăng cao.
Ấn Độ là nhà sản xuất than lớn thứ 2 thế giới, với trữ lượng lớn thứ 4, nhưng nhu cầu điện tăng cao vượt xa mức trước đại dịch, đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp than của Ấn Độ không còn đủ.
Bộ Điện lực Ấn Độ đã chỉ đạo các công ty điện lực tăng cường cung cấp cho thủ đô Delhi, nơi nguy cơ cao khủng hoảng điện có thể xảy ra. Từ ngày 12-10, cư dân Bangalore, nơi có hoạt động công nghệ của hàng trăm công ty toàn cầu, bao gồm Amazon và Infosys, đã phải đối mặt việc cắt điện theo lịch trình hơn 90 phút vào buổi chiều.
Đông Nam Á phục hồi chậm
Ngày 23-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng các nền kinh tế Đông Nam Á (ĐNÁ) sẽ phục hồi với “tốc độ chậm hơn nhiều” so với ước tính trước đây. Theo đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực xuống 3,1% trong năm 2021, từ mức 4,4% dự báo trước đó.
Trên toàn châu lục, ADB dự kiến GDP sẽ tăng trưởng 7,1% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo trước đó là 7,3%. Nhưng ngân hàng đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực này lên 5,4% từ 5,3%.
Tuy nhiên, đó là những dự báo được đưa ra trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng xuất hiện. Giá năng lượng tăng chắc chắn sẽ đẩy lạm phát gia tăng ở các nước ĐNÁ. Chẳng hạn, tại Philippines việc tăng giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí điện năng, vì khoảng 16% năng lượng của Philippines đến từ các nhà máy chạy bằng dầu (diesel và dầu mỏ).
Đáng nói, có tới 41,7% lượng điện của Philippines được tạo ra bởi các nhà máy nhiệt điện than, trong khi giá than thế giới đã tăng khoảng 253% trong 6 tháng qua và khoảng 40% trong tháng trước (tính đến ngày 11-10).
Nhưng với Indonesia, giá năng lượng tăng là cơ hội cho phục hồi kinh tế. Nền kinh tế lớn nhất ĐNÁ tháng trước đã ghi nhận thặng dư thương mại 4,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Giá than và dầu cọ tăng vọt cùng với tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Indonesia.
Theo đó, xuất khẩu than của Indonesia sang Trung Quốc trong tháng 8 tăng 32,7% so với tháng trước đó, sau khi tăng 50% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá hàng hóa cao cũng không hoàn toàn là tin tốt đối với Indonesia, quốc gia nhập khẩu ròng dầu và phụ thuộc nhiều vào chi tiêu tiêu dùng. Nền kinh tế Indonesia năm ngoái đã suy giảm 2,1%, mức giảm đầu tiên trong hơn 2 thập niên.
Thái Lan có lẽ là nước ít ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng năng lượng nhất trong khu vực, bởi kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch hơn là sản xuất. Fitch Ratings kỳ vọng phục hồi kinh tế của Thái Lan sẽ đạt sức mạnh vào năm 2022, được hỗ trợ bởi sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ tiêm chủng Covid-19, việc mở cửa kinh doanh trở lại.
Tuy nhiên, sự phục hồi của du lịch có thể chỉ diễn ra từ từ. Fitch dự kiến GDP Thái Lan sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm 2023.