Khoảng 1/4 số công ty của Đức tiết lộ rằng cùng với các biện pháp tiết kiệm chi phí khác, họ có kế hoạch cắt giảm việc làm.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 24/10 của Stiftung Familienunternehmen có trụ sở tại Munich, tiến hành đối với 1.080 công ty Đức, cho biết khoảng 25% các công ty Đức có kế hoạch cắt giảm việc làm nhằm tiết kiệm chi phí.
Con số này tăng 10% so với mức 14% công ty Đức muốn thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự trong cuộc khảo sát cuối cùng thực hiện tháng 4 vừa qua. Cũng theo kết quả khảo sát, ngoài việc cắt giảm chi phí, 90% trong số các công ty vừa và nhỏ tại Đức đã và đang có kế hoạch tăng giá.
Ông Rainer Kirchdörfer, Chủ tịch Stiftung Familienunternehmen, cho biết kết quả khảo sát trên càng làm gia tăng các “tín hiệu đáng báo động.” Ông cho biết các công ty đang thu hẹp quy mô sản xuất ở Đức hoặc chuyển địa điểm sản xuất sang những nơi có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và gánh nặng thuế thấp hơn.
Theo khảo sát, hiện có 9% các công ty đang xem xét nghiêm túc việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, thay vì chỉ 6% như cách đây 6 tháng. Thậm chí, hiện có tới 13% số công ty đang cân nhắc việc ngừng sản xuất, so với tỷ lệ 6% của 6 tháng trước.
Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng tác động đến hoạt động kinh doanh, nhiều công ty bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân mà Đức đang dần loại bỏ dần theo lộ trình. Năm 2022, chi phí năng lượng chiếm trung bình 8,2% tổng doanh thu. Trong khi năm 2021, con số này chỉ ở mức 5,1%.
Theo cuộc khảo sát khác do Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) tiến hành, chỉ có chưa đến 30% các công ty Đức có kế hoạch khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi các công ty nhỏ thậm chí chưa có kế hoạch cụ thể.
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế của Ifo Johanna Garnitz cho biết đối với các công ty có từ 500 nhân viên trở lên, khoảng 60% đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Trong khi các công ty có tối đa 50 nhân viên, mới chỉ có khoảng 15% đưa ra chiến lược khẩn cấp để đối phó với khủng hoảng năng lượng.
Theo Ifo, biện pháp phổ biến nhất để tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí là hạ nhiệt độ tòa nhà. Trừ những công việc cần thiết, các công ty kêu gọi giảm thời gian làm thêm giờ, tăng thời gian làm việc tại nhà và ngày nghỉ.
Ngoài ra, theo số liệu của báo cáo về Thị trường Toàn cầu của S&P, nền kinh tế Đức, nơi có các ngành công nghiệp “đói năng lượng” do phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga trước xung đột với Ukraine, dự báo sẽ giảm 0,4% vào năm 2023. Cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ở Đức đều cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm sút, điều này có thể khiến các công ty phải cắt giảm việc làm.
Báo cáo cũng cho biết các doanh nghiệp Đức đang rất “bi quan” về triển vọng năm tới, do chi phí năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu. Nhà kinh tế hàng đầu của S&P Global Market Intelligence, ông Chris Williamson cho biết cuộc suy thoái kinh tế toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) “có vẻ khó tránh khỏi.”
Ông Chris Williamson nhận định: “Cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực vẫn là mối quan tâm lớn nhất và kéo mọi hoạt động tụt lùi, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng.”
Kể từ năm 2021, giá khí đốt đã tăng hơn gấp đôi, đặc biệt kể từ thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu từ tháng 2/2022. Để giảm bớt tác động của những chi phí tăng cao này, Ủy ban Giá khí đốt của Đức đã khuyến nghị chính phủ thực hiện mô hình hỗ trợ theo từng giai đoạn - cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân.
Theo kế hoạch hiện nay, Chính phủ Đức sẽ chi trả một lần tiền hỗ trợ hóa đơn khí đốt trong tháng 12 cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm nay, thông qua cơ chế giới hạn giá đang áp dụng từ tháng 3.
Trong khi đó, các tập đoàn công nghiệp lớn tiêu thụ hơn 1,5 triệu kW/h mỗi năm sẽ được giảm 70% giá tiêu thụ hằng năm từ tháng 1/2023, phần 30% còn lại sẽ phải chi trả theo giá thị trường.