Thông tin từ Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã trải qua 12 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong bối cảnh mới, khi mà cả thế giới và đặc biệt là ngành du lịch đã “ngấm đòn” COVID-19, du lịch nội địa được xem là “liều thuốc” hiệu quả giúp các điểm đến vượt khó, từng bước phục hồi trước những tổn thương do dịch bệnh tàn phá.
Trên cơ sở đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 do Tổng cục Du lịch phát động dự kiến sẽ triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang khống chế tốt dịch COVID-19. Ngoài ra, nhiều điểm tham quan cũng đã mở cửa đón khách trở lại.
Hướng tới du lịch an toàn
Du lịch an toàn và trải nghiệm hấp dẫn là 2 yếu tố được lãnh đạo ngành đặt trọng tâm trong chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 sẽ thực hiện từ nay đến hết năm 2020.
Chương trình kích cầu du lịch nội địa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động từ đầu tháng 5/2020 đã được các địa phương, doanh nghiệp, du khách trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ và đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ trở lại với hàng loạt ca lây nhiễm trong cộng đồng từ cuối tháng Bảy khiến hoạt động du lịch tê liệt trầm trọng.
“Cú đánh kép” sau đợt dịch 2 khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch, khách sạn đã phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, tạm ngừng hoạt động thậm chí phá sản; hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập.
Chính vì thế việc khởi động lại các hoạt động du lịch và chương trình kích cầu du lịch nội địa là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển, không để đứt gãy nền kinh tế-xã hội.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định các hoạt động phục vụ du khách phải đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế và theo Bộ tiêu chí du lịch an toàn mà Tổng cục Du lịch đã ban hành trước đó.
Ngoài ra, các đơn vị phải bổ sung các giải pháp công nghệ số để phòng, chống COVID-19. Các đơn vị cung ứng dịch vụ từ hàng không, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển khách du lịch đến các điểm tham quan… cũng cần có cơ chế linh hoạt cho hoãn, hủy, đổi tour du lịch trên tinh thần chia sẻ, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp đối tác, sử dụng dịch vụ du lịch và du khách nếu dịch bệnh có diễn biến bất thường.
Theo các chuyên gia du lịch, thời điểm này nhu cầu và hành vi tiêu dùng của du khách đã thay đổi so với trước dịch nên cần tính toán kỹ cho sản phẩm, để làm sao vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá, loại hình, chất lượng, có độ dài chuyến đi phù hợp.
“Các sản phẩm đưa ra phục vụ khách phải bảo đảm chất lượng, không vì ưu đãi, giảm giá mà ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ,” ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Phía các đơn vị lữ hành cho hay dù đang nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm tour hấp dẫn, mới mẻ nhưng thực tế sức mua của khách thời điểm này chỉ bằng khoảng 30% so với giai đoạn tháng 6-7 do vẫn còn tâm lý e ngại và đến mùa thấp điểm của du lịch.
Nhiều điểm tham quan mở cửa trở lại
Sau khoảng thời gian buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, các điểm tham quan ở Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã mở cửa để đón khách du lịch trở lại.
Tuần qua, các di tích, danh thắng, khu vui chơi giải trí, quán bar... ở Phú Yên đã được lãnh đạo tỉnh ký công văn cho phép mở cửa đón khách kể từ 0 giờ ngày 8/9.
Song, điều kiện để hoạt động là các cơ sở này phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế như vệ sinh khử khuẩn, trang bị dung dịch sát khuẩn, yêu cầu khách và nhân viên đeo khẩu trang.
Nếu Phú Yên “mở toang” cánh cửa với tất cả các dịch vụ thì tỉnh Bình Định tạm thời chỉ cho phép mở cửa hoạt động du lịch. Được biết, các chốt kiểm tra y tế tại đèo Bình Đê, ga Bồng Sơn (Hoài Nhơn), ga Diêu Trì (Tuy Phước), bến xe Quy Nhơn, sân bay Phù Cát vẫn được duy trì.
Từ ngày 5/9, sau hơn một tháng tạm dừng đón khách, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép tàu cao tốc đưa, đón du khách trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại.
Các hoạt động lưu trú, điểm tham quan trên đảo Lý Sơn được đón du khách trong điều kiện phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chính quyền tỉnh này cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng, bệnh viện, trường học... đồng thời duy trì chốt chặn đường biển.
Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã chuẩn bị kịch bản cho đợt kích cầu du lịch mới nhằm tái thiết lại ngành công nghiệp không khói, cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vượt qua cơn “bĩ cực” chưa từng có trong lịch sử...