Theo đó, Hiệp hội đề nghị quy định “hình thức đấu giá”, thời gian chuẩn bị hồ sơ tham gia đấu giá phù hợp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (“đất công”) để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị: đề nghị xây dựng một Chương riêng trong Luật Đấu giá tài sản để quy định đầy đủ cơ chế đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (“đất công”) để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị phù hợp với thực tế.
Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (“đất công”) nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, Hiệp hội đề nghị áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá” hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016, trên cơ sở nghiên cứu bổ sung quy định tương tự phương thức “đấu thầu 2 giai đoạn 2 túi hồ sơ” (quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2013), như sau:
Giai đoạn 1: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét “Báo cáo khả thi dự án đầu tư” do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra “danh sách ngắn” các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá (có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu).
Giai đoạn 2: Tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong “danh sách ngắn” theo hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá”, hoặc “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá quy định tại Điều 42, Điều 43 Luật Đấu giá tài sản 2016.
Ngoài ra đề nghị quy định chặt chẽ việc công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất (“đất công”) để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị và tăng thêm thời gian để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đấu giá lên khoảng 35 ngày, vì thời gian theo quy định hiện nay chỉ trong khoảng 18 ngày là quá ít, không phù hợp.
Để “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” theo quy định của pháp luật dân sự, Hiệp hội đề nghị xem xét thay thế quy định về “tiền đặt trước” tại Khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016 bằng quy định về “bảo đảm đấu giá” hoặc “đặt cọc đấu giá” để đảm bảo sự thống nhất, liên thông giữa Luật Đấu giá tài sản 2016 và Bộ Luật Dân sự 2015. Khi nhà đầu tư trúng đấu giá thì tiền “bảo đảm đấu giá” hoặc “đặt cọc đấu giá” chuyển thành tiền “đặt cọc” để bảo đảm thực hiện Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Đề nghị giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá trị “tiền đặt cọc đấu giá” phù hợp với từng cuộc đấu giá tài sản, nhất là trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, do hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 chỉ quy định “tiền đặt trước” tối thiểu 5%, tối đa 20% giá khởi điểm đấu giá mà thôi…