PHÓNG VIÊN: - Thưa Bộ trưởng, năm 2022 dù nền kinh tế toàn cầu diễn biến không thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt thành công nhất định. Song cũng phải thừa nhận thực tế rằng sự phát triển nóng của TTCK và TPDN đã bộc lộ nhiều rủi ro, gây mất an toàn cho thị trường vốn. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiện tượng này, và giải pháp chấn chỉnh như thế nào trong năm 2023?
Bộ trưởng HỒ ĐỨC PHỚC: - Trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng, trong những năm qua Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về phát triển thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Nhờ đó, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô; ngày càng phát triển cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu (CP) và thị trường TP; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN Nhà nước.
Thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, thị trường CP và TPDN có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019-2021 đạt trên 30%/năm, qua đó dần thu hẹp khoảng cách và cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng. Tính đến cuối năm 2022, TTCK có 758 CP, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch và 859 CP đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, với tổng giá trị niêm yết đạt 1.970.000 tỷ đồng, tăng 13,3% với cuối năm 2021; gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021.
Thị trường TP ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn trung và dài hạn của Chính phủ, các ngân hàng và các DN với tổng khối lượng vốn huy động lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt trên 537.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận từ giữa năm 2022 có nhiều biến động bất lợi, chỉ số chứng khoán, mức vốn hóa đã giảm khoảng 30% vào thời điểm cuối năm, thanh khoản sụt giảm khoảng 20% so với năm 2021. Các DN gặp áp lực lớn về dòng tiền và thanh khoản.
Qua đánh giá có thể thấy nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) trước các sự việc cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý sai phạm về thao túng, làm giá, chất lượng công bố thông tin, các vụ việc sai phạm trên thị trường TPDN. Ngoài ra, việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, đưa tin thất thiệt về một số DN cũng gây tác động tâm lý xấu cho NĐT và thị trường.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo các đơn vị và phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai các giải pháp để phát triển thị trường minh bạch, bền vững và hiệu quả. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật và các văn bản hướng dẫn để khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, theo đó sẽ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường TPDN.
UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán, sẽ đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ trên TTCK và hệ thống lưu ký, giao dịch TPDN nhằm phát triển thị trường minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật và các văn bản hướng dẫn để khắc phục kịp thời những bất cập, từ đó khôi phục niềm tin NĐT, đảm bảo sự phát triển lành mạnh. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định 65 về phát hành TPDN cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
- Nhưng thưa Bộ trưởng, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những dấu hiệu bất ổn, và đương nhiên TTCK sẽ ảnh hưởng. Vậy chúng ta phải có những giải pháp gì để đối phó?
- Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức kiểm soát. Như vậy kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự báo có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn việc các nước như Mỹ, EU tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, có thể tạo áp lực kéo dòng vốn đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để quay lại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác. Và trong bối cảnh căng thẳng quốc tế cũng như áp lực lạm phát gia tăng, NĐT chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư. Những yếu tố này đều có khả năng tác động đến dòng tiền và thanh khoản trên TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế cũng được mở cửa trở lại. Hoạt động DN dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 5,8% trong năm 2023. Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 10,2 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
Với những dự báo trên, hoạt động của TTCK, thị trường TPDN trong năm 2023 sẽ vẫn có thách thức nhưng cũng kèm nhiều cơ hội. Trong đó thách thức từ những yếu tố nội tại của nền kinh tế và thị trường sẽ đóng vai trò chủ yếu.
Do đó, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành TTCK, thị trường TPDN trong năm 2023 và các năm tiếp theo là đảm bảo ổn định, minh bạch và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT và các chủ thể tham gia trên thị trường.
- Vậy những giải pháp cụ thể trong năm 2023 như thế nào?
- Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ KH-ĐT rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật DN và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trên TTCK. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề gia hạn, hoán đổi TP, định mức tín nhiệm và NĐT.
Thứ hai, Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phái sinh, thị trường TPDN. Kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường. Kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế để có cảnh báo sớm đối với NĐT về các rủi ro (nếu có) của TTCK.
Thứ ba, Bộ Tài chính sẽ tạo dựng lại niềm tin của NĐT, tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các DN, NĐT an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, NĐT chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển NĐT dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, DN bảo hiểm...
Thứ tư, Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường TP đồng bộ theo hai phương thức phát hành TP ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đối với kênh phát hành công chúng, Bộ sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho DN phát hành, cũng như chỉ đạo UBCKNN rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các DN có đủ điều kiện phát hành, tiếp cận đến tất cả các đối tượng NĐT.
Đối với kênh phát hành riêng lẻ, Bộ đã có các chỉ đạo về giải pháp bình ổn thị trường: yêu cầu các DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi TPDN đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của NĐT; đề nghị các DN trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán phải đàm phán với các NĐT để thống nhất phương án cơ cấu lại TP đó. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Thứ năm, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra, nhằm thu hút sự tham gia của NĐT nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Những rủi ro và bất lợi trên thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2022, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề niềm tin của NĐT khi các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý sai phạm về thao túng, làm giá, các vụ việc sai phạm trên thị trường TPDN, và một số phương tiện đưa tin thất thiệt về một số DN gây tác động tâm lý xấu cho NĐT và thị trường.