Tuy nhiên, khác với nhiều nền kinh tế khác, thị trường TPDN Việt Nam chủ yếu dựa vào phát hành riêng lẻ. Song song với những lợi ích lớn, sự phát triển của thị trường TPDN mang lại cho nền kinh tế, rủi ro đi kèm với quá trình phát triển nóng của nó trong thời gian này rất lớn. Và khi quả “bong bóng” phình ra buộc phải nổ, khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) bị thiệt hại nặng nề.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) sau đó đã được ban hành để sửa đổi quy định về mục đích phát hành TP, nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành TP đúng mục đích. Đáng chú ý, thời gian có hiệu lực của các quy định và điều kiện mới từ NĐ65 phải thực hiện ngay lập tức. Đây thực sự là cú phanh gấp đối với các DN và thị trường. Một cỗ xe đang chạy hết tốc lực, đột ngột bị hãm phanh gần như tức thì. Thị trường và DN có quá ít thời gian để chuẩn bị đáp ứng cho các điều kiện mới.
Kết quả, thanh khoản của thị trường TP lập tức căng như dây đàn. Một loạt DN đối diện với nhiều khó khăn và thách thức khi huy động nguồn vốn TPDN trở nên gần như không thể, trong bối cảnh nguồn cung tín dụng hết sức hạn hẹp. Hệ lụy tiếp theo là một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán rớt mạnh trong thời gian qua do áp lực thanh khoản, mà chủ yếu đến từ thị trường TP.
Vì thế, việc sửa đổi NĐ65 sẽ góp phần giảm tác động những cú phanh gấp như vậy, khiến quy định trở nên dễ tiên liệu hơn với DN, và các DN cũng như thị trường có đủ thời gian cần thiết để xoay xở, thích nghi với các quy định và tốc độ mới. Thí dụ, việc xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp dời thời điểm áp dụng từ 16-9-2022 sang 1-1-2024 sẽ gửi các tín hiệu và tác động tích cực cho thị trường. Bởi sau khi NĐ65 được ban hành, số lượng NĐT chứng khoán chuyên nghiệp đã bắt đầu suy giảm. Khi số lượng NĐT chuyên nghiệp giảm, cầu đối với TPDN suy giảm theo.
Thời gian phân phối TP cũng được dời áp dụng sang tháng 1-1-2024, sẽ giúp DN và các công ty chứng khoán có thêm thời gian chuẩn bị, xây dựng phương án thích ứng và tăng khả năng thành công cho các đợt phát hành. Và với trình độ phát triển của thị trường xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam hiện nay, dời thời điểm áp dụng xếp hạng tín nhiệm sang tháng 1-1-2023 hoặc xa hơn, là điều cần thiết để có thể hình thành được các công ty, đơn vị xếp hạng tín nhiệm có năng lực và uy tín.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi NĐ65 cũng cần cân nhắc cho phép các TP phát hành trước đây còn dư nợ được thay đổi thời hạn, hoán đổi TP đã phát hành, kéo dài thời hạn với thời gian tối đa 2 năm. Điều này giúp DN có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại TPDN đã phát hành và thỏa thuận với NĐT giúp giảm nguy cơ vỡ nợ. NĐ65 sửa đổi cũng cần cho phép DN phát hành và NĐT nắm giữ TP thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi TP đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Yếu tố này mở ra cơ chế thỏa thuận đối với TP, lấy tài sản hay chuyển đổi thành khoản vay giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.
Những thay đổi như vậy sẽ tránh được những cú phanh gấp đối với thị trường TPDN, khôi phục niềm tin của các DN và NĐT vào thị trường. Sự hồi phục và phát triển trở lại của thị trường TPDN sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng với thị trường tín dụng, tăng thế chủ động cho DN trong việc huy động nguồn lực cho phát triển.
Nâng cao điều kiện, tăng cường giám sát, cải thiện tính minh bạch trong phát hành TPDN sẽ góp phần phát triển bền vững thị trường TPDN nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Nhưng thị trường cũng rất cần các quy định có tính tiên lượng được, đánh giá tác động chính sách cẩn trọng, giúp DN có thời gian chuẩn bị để vận hành một cách bền vững và thông suốt.