Nhiều đề xuất mới
Hiện một số công ty có dư nợ TPDN lớn đã có các phương án xử lý nợ thông qua nghiệp vụ chuyển nhượng tài sản, phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, hay huy động vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, khó mang lại hiệu quả như mong đợi, do giá trị đáo hạn TPDN trong năm 2023 hiện vẫn ở mức cao, gần 350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 tín dụng tăng thêm. Trong đó, đáo hạn TPDN bất động sản (BĐS) ước 130.000 tỷ đồng, tương đương 9% tín dụng tăng thêm.
Chỉ riêng trong tháng đầu tiên của năm 2023, DN BĐS phải thanh toán 10.500 tỷ đồng TP đến hạn (chiếm 60% giá trị TPDN đến hạn), và DN xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng TP đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Đặc biệt, nếu tính cả năm 2024, giai đoạn 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn TPDN với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất sửa đổi NĐ65, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các nội dung, như hoãn thực hiện quy định tại NĐ65 về xác định tư cách NĐT chuyên nghiệp trong vòng 1 năm, kéo dài thời gian với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi TP đã phát hành…
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung thêm thông tin số lượng các NĐT đáp ứng được tất cả điều kiện về NĐT CK chuyên nghiệp, số lượng các NĐT đáp ứng được tất cả điều kiện về NĐT chuyên nghiệp, nhưng chưa đáp ứng được quy định về thời gian danh mục nắm giữ 180 ngày, thì điều chỉnh xuống còn 90 ngày.
Việc Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện 1 năm quy định về xác định tư cách NĐT CK chuyên nghiệp được giới đầu tư trên TTCK hết sức quan tâm. Do hiện tại có nhiều NĐT dưới chuẩn đang mua TPDN. Theo quy định của NĐ65, rất nhiều NĐT sẽ không đủ chuẩn chuyên nghiệp. Sức hấp dẫn của thị trường TPDN đã suy giảm đáng kể khi niềm tin của NĐT bị ảnh hưởng. Và đây cũng là nguyên nhân khiến các NĐT cá nhân đẩy mạnh bán tháo trên TTCK trong năm 2022.
Theo thống kê, NĐT cá nhân bán ròng 26.000 tỷ đồng trong năm 2022, sau khi mua ròng hơn 58.000 tỷ đồng trong 2021. Nếu NĐ65 đã làm giảm số lượng NĐT CK dẫn theo tình trạng giảm cầu, việc sửa đổi sẽ giúp NĐT bớt đi nỗi lo về thời hạn “deadline”, giúp thị trường TP có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới. Đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn NĐT chuyên nghiệp cũng là giải pháp “dọn đường” cho việc gia hạn/giãn nợ, tạo điều kiện để những NĐT dưới chuẩn tiếp tục được mua TP mới để DN đảo nợ.
Vẫn mang tính “chữa cháy”
Bên cạnh việc sửa đổi quy định liên quan đến NĐT, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi TP đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành TPDN tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành TP đã công bố cho NĐT. Việc gia hạn phải được các chủ sở hữu TP đại diện trên 65% tổng số TP lưu hành chấp thuận. Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, DN khó phát hành TP mới, trong khi lại có áp lực trả nợ đối với TP đáo hạn năm 2023-2024.
Do đó, quy định này sẽ hỗ trợ DN giảm lượng TP đáo hạn đạt đỉnh vào 2 năm tới, và có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ. Ngoài ra, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép DN phát hành và NĐT nắm giữ thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi TP đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Các quy định của dự thảo sửa đổi dự thảo NĐ65 được DN và chuyên gia đánh giá cao, sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đáo hạn với thị trường TP trong vòng 2 năm tới.
Đề xuất sửa đổi NĐ65 được cho tác động tích cực lên nhóm DN BĐS, ngân hàng và CTCK. Đây là 3 nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao và có tác động lớn lên diễn biến của VN Index. Trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, TTCK liên tục điều chỉnh giảm khiến phần lớn DN phát hành TP của 2 nhóm ngành BĐS và CK đều đang gặp vấn đề trong việc đáo hạn.
Lấy dẫn chứng từ DN BĐS. Do phần lớn số vốn họ có được khi phát hành TP nằm trong các dự án BĐS đang triển khai và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ. Vì vậy, việc sửa đổi NĐ65 sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là các DN BĐS, ngân hàng và CTCK, có thêm thời gian xử lý vấn đề TPDN.
Tuy vậy, những giải pháp sửa đổi trên được cho là có nhiều điểm tích cực, nhưng thực chất vẫn mang tính “chữa cháy” nhiều hơn. Bởi câu chuyện thị trường TPDN bây giờ là tắc thanh khoản và niềm tin. Một khi niềm tin không còn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản của thị trường TP và cả TTCK. Các giải pháp sửa đổi chắc chắn sẽ có tác động tích cực lên thị trường TP và TTCK, nhưng cần thời gian để “thẩm thấu”.
Do vậy, ngoài sửa đổi NĐ65, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm các quy định khác để giúp thị trường TPDN hoàn thiện về mặt pháp lý. Từ đó vận hành sôi động trở lại, đặc biệt là thu hút các NĐT tổ chức tham gia đầu tư TP như các quỹ mở, quỹ hưu trí.
Đây là những vấn đề đã được lãnh đạo Bộ Tài chính nhận thấy và đang quyết tâm thực hiện, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Về lâu dài, để phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, rà soát lại Luật CK, Luật DN để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TP của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TP riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay”.
Trên thị trường sơ cấp, NĐT cá nhân nắm giữ chưa đến 10% TP riêng lẻ (70% là ngân hàng và CTCK nắm giữ). Song trên thị trường thứ cấp, 30-40% lượng TPDN lại nằm trong tay cá nhân. Đây cũng là lý do khiến cho thị trường TPDN thiếu tính bền vững và dễ bị “lung lay”.