Bao nhiêu năm qua tôi có cơ duyên tiếp xúc với nhiều người đẹp ở mọi giai tầng trong xã hội. Càng gặp gỡ càng lắng nghe, tôi càng kinh ngạc về sự khôn khéo vượt trội của các chân dài. Thậm chí có mỹ nhân một tay lèo lái đưa cả gia đình tiến những bước ngoạn mục trên hành trình xóa đói làm giàu. Tất nhiên, để làm được điều phi thường ấy phải cần một chút cơ duyên trời cho.
Một tay gây dựng cơ đồ
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến là chân dài thuộc thế hệ người mẫu đầu tiên tại TPHCM, bây giờ có viết đầy đủ họ tên chắc cũng không mấy người còn nhớ, Thiên Kim. Tài sản hiện tại của Thiên Kim với công chức chăm chỉ suốt đời chẳng thể mong có được.
Khi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành sư phạm, Thiên Kim tham gia biểu diễn thời trang như một cách kiếm thêm thu nhập. Trong sự tình cờ đưa đẩy, Thiên Kim hạnh ngộ quý tử nhà giàu vừa du học nước ngoài về.
Khi nhận lời đến thăm tư dinh của chàng, Thiên Kim thấy bố mẹ chàng mong muốn có cô con dâu theo nghề gõ đầu trẻ “mai mốt biết dạy dỗ con cái”. Sau một đêm suy nghĩ, Thiên Kim quyết tâm rời khỏi giới người mẫu, dù tương lai trên sàn diễn đang rộng mở.
Phàm là Bạch Mã hoàng tử thường vây quanh luôn có nhiều bóng hồng. Thiên Kim mặc kệ, cứ ôm vở đến giảng đường và tranh thủ rảnh rỗi sang đi chợ cùng... thân mẫu chàng.
Cứ thế, Bạch Mã hoàng tử đưa chân dài nào về ra mắt đều bị lắc đầu từ chối thẳng thừng. Khi Thiên Kim cầm bằng cử nhân sư phạm, bố mẹ Bạch Mã hoàng tử ban tối hậu thư: “Hoặc cưới Thiên Kim hoặc tay trắng đánh đu với các mỹ nhân danh xưng hoa hậu, diễn viên kia”.
Thắng thế, Thiên Kim đưa cha và anh trai đến chào… sui gia tương lai. Bố và anh trai của Thiên Kim vốn quen lam lũ nên choáng ngợp trước sự giàu sang, được mời ăn cháo tổ yến cứ nắc nỏm khen “cái món miến này sao lạ và ngon quá”.
Khó xử hơn, bố mẹ của Bạch Mã hoàng tử nói câu gì 2 người đều cúi rạp xuống và “dạ” thật to.
Đám cưới của Thiên Kim và Bạch Mã hoàng tử diễn ra chỉ chừng 10 năm thôi, nhưng hiện tại không ai có thể nhận ra cha và anh trai của Thiên Kim ngày xưa nữa.
2 người đàn ông dạo nào không phân biệt được miến và tổ yến, mỗi người đã làm chủ một khách sạn hoành tráng. Còn chân dài Thiên Kim dĩ nhiên đã trở thành đại gia thứ thiệt.
“Năng nhặt chặt bị”
Đường vào hào môn thăm thẳm thác ghềnh, muốn có kỳ tích như Thiên Kim không đơn giản. Chân dài muốn quen đại gia thì nhanh, nhưng muốn làm... bà chủ hàng chục hoặc hàng trăm tỷ đồng... hơi bị lâu.
Chưa kể, cầm được giấy đăng ký kết hôn rồi vẫn có ngày kiện tụng ì xèo để tranh giành tài sản như trường hợp người mẫu N.T. Các đại gia không dễ để bị mang tiếng “thấp mưu thua trí đàn bà”.
Chân dài biết kế rộng như sông, đại gia cũng biết tính sâu như biển. Vì vậy, cuộc quần long ác đấu thị phi giữa chân dài và đại gia ngày càng gay gắt và khốc liệt.
Cặp kè với nhau, đại gia rất hiếm khi đưa tiền mặt cho chân dài. Thích gì đại gia mua. Muốn gì đại gia cũng mua. Nhưng với điều kiện bất di bất dịch: đại gia trực tiếp thanh toán và lấy hóa đơn. Công chúng thấy người mẫu này đi siêu xe, diễn viên kia ở biệt thự, nhưng họ không có quyền bán vì... tất cả đều do đại gia đứng tên.
Nếu “hợp đồng yêu đương” chấm dứt chân dài sẽ thê thảm ngay. Phải tự cứu mình trước khi cầu Thượng đế rủ lòng thương hại, chân dài nghĩ đủ trò để móc túi đại gia. Cách phổ biến nhất là đồ đạc bỗng dưng biến mất. Một buổi sáng đẹp trời, đại gia nhận được thông báo của chân dài “tối qua em bị giật túi xách rồi anh ơi”.
Nghĩa là bên trong túi xách hàng hiệu kia có cả điện thoại đời nhất iPhone vài chục triệu đồng hoặc Vertu vài trăm triệu đồng, cộng với máy tính bảng và bộ mỹ phẩm cho giới thượng lưu. Để an ủi “của đi thay người”, đại gia sắm lại đầy đủ “mâm quả” cho chân dài.
Đại gia nào đầu không có sạn. Chiêu này của chân dài sao qua mặt được, nhưng mắt nhắm mắt mở tiếp tục tình chàng ý thiếp, nếu trách móc mang tiếng hẹp hòi, than thở mang tiếng hà tiện.
Chỉ một lần duy nhất, vì quan hệ thân thiết, một đại gia buột miệng kêu với tôi trong bữa cà phê: “Báo mạng bây giờ đáng sợ lắm, thứ gì cũng đưa lên, làm khổ thân tui”.
Đúng quá, chân dài có cái tin bị mất trộm trên báo mạng làm bằng chứng đại gia làm sao thoái thác nghĩa vụ “anh hùng cứu mỹ nhân”.
Tranh thủ tình thương mến thương
Dẫu đại gia đề phòng cách nào cũng không thoát được sở thích... nghiện mua sắm của chân dài. Được mời đi du lịch Hồng Công, Hoa Kỳ hoặc Pháp, các chân dài thường tranh thủ mua sắm hết tốc độ. Cái áo màu nhạt cũng mua, mà cái khăn choàng màu đậm cũng mua.
Chỉ cần chân dài mấp máy môi thơm thủ thỉ “cái này ở Việt Nam không có, em thích quá anh à” như rót mật đã có thể sở hữu mấy va li trang phục mang về nước, còn mặc hay không hạ hồi phân giải.
Một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo cao cấp nổi tiếng tại Sài Gòn hé lộ kiểu kinh doanh độc đáo: “Nhiều người cứ thấy cô X, cô Y hay lui tới tiệm của tui, nhưng họ không phải đến mua mà để bán đấy. Mỗi chuyến đi đâu về, họ đến đây đổ ra vài chục món, đều nguyên đai nguyên kiện, mới cứng”.
Hàng không vốn, chân dài bán với giá khá mềm và chủ cửa hàng cũng “trúng mánh”. Cả 2 cùng có lợi từ phút giây đại gia yếu mềm hào phóng. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các đại gia cũng cắt giảm chi tiêu, nên các chân dài cũng teo tóp theo.
Thí dụ, đại gia H trước đây có gần chục mỹ nhân dưới trướng, gọi là “em nuôi” hoặc “học trò”. Mỗi tháng, đại gia H chuyển khoản mỗi nàng 3.000USD tiêu vặt. Từ khi suy thoái tài chính, đại gia H không “làm từ thiện” nữa khiến các chân dài dạt khắp nơi. Ngay cả một chân dài trước đây như hình với bóng cùng đại gia H cũng công khai hò hẹn với một doanh nhân nước ngoài.
Khéo co thì ấm, đại gia khó giải ngân thì chân dài nghĩ cách khác để tăng “lãi suất huy động”. Nhà thiết kế thời trang V kể cho tôi một chuyện dở khóc dở cười. Chân dài M cùng đại gia đến tiệm đặt may áo dài.
Chân dài chọn 5 kiểu khác nhau và đại gia trả tiền sòng phẳng, rồi cả 2 tình tứ dìu nhau về. Khi nhà thiết kế thời trang V đang chuẩn bị hoàn thành sản phẩm, chân dài M gọi điện thương lượng: “Anh may 1 bộ áo dài thôi, còn 4 bộ kia anh quy ra tiền thối lại cho em ăn tết”.
Kinh hãi nhất là cách moi tiền của chân dài T. Dù đã qua thời vàng son trong nghề diễn viên, nhưng T vẫn còn chút danh tiếng. Chỉ cần sơ giao với đại gia nào, nửa đêm T gọi điện khóc: “Anh ơi, em nợ tiền bọn xã hội đen.
Tụi nó đang đứng trước cửa nhà đòi chém em. Anh giúp em mấy trăm triệu đi”. Đấy không còn là đấu trí, mà là đấu... nước mắt cá sấu. Tội nghiệp thay và xót xa thay.
Người ta thường dùng câu “sắc bất ba đào dị nịch nhân” để cảnh tỉnh mỹ nhân không phải sóng gió nhưng vẫn làm chìm đắm kẻ si tình. Khi kinh tế thị trường đánh thức trí thông minh trong thiên hạ, chuyện “thua trí đàn bà” càng trở nên phổ biến.
Những ai cho rằng “chân dài óc ngắn” có lẽ không thuộc đẳng cấp đại gia nằm trong vùng phủ sóng các chân dài. Không hề có ý mỉa mai, giễu cợt, bài viết này chỉ nhằm “mua vui cũng được một vài trống canh” cho ngày xuân thêm chút phẩm vị hào hứng.